Thị trường di động 2013 đã trải qua một năm với nhiều biến động lớn như thương vụ mua bán của Nokia hay sự trỗi dậy của điện thoại màn hình cong. Tuy nhiên, lồng ghép trong bức tranh toàn cảnh này vẫn có không ít những nỗi thất vọng đến từ ngay cả các nhà sản xuất danh tiếng. Dưới đây là những mẫu smartphone "bom xịt" mà làng di động đã chứng kiến trong năm qua.
1. HTC One Max
HTC One Max trước khi ra mắt đã nhận được sự kỳ vọng lớn lao của người dùng, những tưởng chiếc phablet này sẽ là phép thử xứng đáng đối với người khổng lồ Galaxy Note 3 đồng thời là kẻ thay thế thích hợp đối với HTC One. Tuy nhiên, những mộng tưởng đó cuối cùng cũng tan như bong bóng xà phòng bởi One Max không có gì nhiều hơn là một thiết kế lấy từ người anh em One và chiếc cảm biến vân tay chắp vá không mấy hữu dụng.
Về cơ bản, One Max là một cỗ máy tương đối cồng kềnh, dày tới 10,3 mm và nặng 217 g. Bên cạnh đó, dù ra đời khá lâu sau siêu phẩm HTC One nhưng One Max vẫn chỉ sử dụng dòng chip Snapdragon 600 yếu hơn khá nhiều so với các mẫu smartphone đời mới hiện nay chạy Snapdragon 800. Mặt khác, phần cảm biến vân tay của Max hoạt động không nhạy và không tiện dụng như iPhone 5s. Mọi thao tác trở nên khá rườm rà và đó cũng là một trong những lý do lớn khiến chiếc điện thoại này gần như mất hút chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.
2. iPhone 5c
Xuất hiện dưới dạng tin đồn như một hiện thân cho sự đổi mới của Apple. Nhiều người cho rằngiPhone 5c là một sản phẩm giá rẻ, thậm chí chỉ 200 USD. Tuy nhiên, sự thật không hề tuyệt vời như vậy, iPhone 5c chỉ rẻ hơn một chút so với iPhone 5s và nó mang trong mình các thông số tương tự như chiếc iPhone 5. Thực sự nhiều người đã cảm thấy tiếc nuối cho iPhone 5 khi họ được tận mắt chứng kiến iPhone 5c với vỏ nhựa nhiều màu. Cái chất sang trọng trên những iDevice trước đây gần như hoàn toàn biến mất.
Thực chất, doanh số bán hàng của iPhone 5c cũng không phải là thấp nhưng được biết đến như một sự đổi mới đến từ Apple thì iPhone 5c không xứng đáng được coi là một phát kiến hay một cuộc cách mạng. Nó bị coi là một sự “cải lùi” hạ cấp từ iPhone 5. Tuy nhiên, với những người dùng yêu thích iOS nhưng không có đủ điều kiện lên đời iPhone 5s thì họ vẫn chấp nhận iPhone 5c và cố gắng không quá quan trọng đến hình thức của máy nữa. Bên cạnh đó, một lý do cứu cánh cũng được miễn cưỡng đưa ra là dùng vỏ nhựa đỡ bị xước hơn vỏ nhôm của iPhone 5.
3. HTC First
Facebook Home là nỗ lực lớn của Facebook trong việc tự đánh bóng tên tuổi nhưng vẫn trong một chừng mực khi thỏa hiệp cùng Android. Đúng là Facebook Home cũng có những tiếng vang nhất định song rốt cuộc lại là chê nhiều hơn khen. Đó là lý do khiến cho HTC First chạy giao diện Facebook Home trở thành một trong những chiếc điện thoại yểu mệnh nhất từ trước đến nay. Sản phẩm này nhanh chóng bị khai tử chỉ sau một vài tháng phát hành.
Lý do cơ bản là đa phần người dùng không “phát cuồng” Facebook đến nỗi phải sử dụng một phiên bản giao diện với biểu tượng và các tính năng Facebook ở khắp mọi nơi. Họ đơn giản chỉ cần một ứng dụng Facebook bình thường và có chăng thêm Facebook Messenger nữa đã là quá đủ. Bên cạnh đó, HTC First cũng không có các đặc điểm nổi bật về thiết kế cũng như phần cứng. Máy sở hữu bộ thông số kỹ thuật xoàng xĩnh nhưng giá bán cũng chẳng hề hợp lý chút nào.
4. BlackBerry Z10
Từng được coi là niềm hi vọng lớn nhất sẽ giúp BlackBerry xoay chuyển tình thế nhưng cuối cùng BlackBerry Z10 lại không thể tạo nên những điều khác biệt thực sự. Thậm chí so với dàn điện thoại Android hay Apple iPhone, Z10 cũng hầu như khá mờ nhạt. Thực tế là BlackBerry Z10 không sở hữu thiết kế khiến chúng ta phải cảm thấy choáng ngợp.
Trong khi đó, phần cứng, chất lượng hệ điều hành và đặc biệt là giá bán đều có những điểm chưa làm thỏa mãn người dùng. Mặt khác, kho ứng dụng của BlackBerry 10 cũng không mấy hấp dẫn. Doanh số bán hàng yếu kém của Z10 bị coi là một hệ lụy cho chính sách giá ảo tưởng của hãng điện thoại Canada.
5. Sony Xperia Z Ultra
Xperia Z Ultra có thể coi là một người khổng lồ thực sự theo nghĩa đen của thế giới smartphone. Sony không thường xuyên tung ra các phablet nhưng một khi đã làm thì người Nhật cũng rất “mạnh tay”. Z Ultra sở hữu thiết kế Omnibalance ít đụng hàng của dòng smartphone Xperia đời 2013 nhưng máy rất to và khó sử dụng bằng 1 tay. Bên cạnh đó, về mặt tính năng, gần như Z Ultra không tạo được điểm nhấn cần thiết so với tượng đài Galaxy Note của Samsung.
Khi mới cập bến thị trường Việt, Xperia Z Ultra có giá lên tới 18 triệu đồng nhưng với sự thờ ơ của cộng đồng, sản phẩm này đã giảm giá không phanh và bị coi là nỗi thất vọng lớn của Sony. Hãng điện tử Nhật Bản có vẻ như cũng không còn nhiều tham vọng trong phân khúc phablet, thay vào đó hãng quay về với thế mạnh của mình vốn có là camera phone bằng việc trình làng chiếc Xperia Z1 với màn hình chỉ 5 inch (nhỏ hơn nhiều so với Z Ultra với màn hình 6,44 inch) nhưng camera khủng lên tới 20,7 megapixel.
Tạm kết
Nhiều người sẽ cho rằng bài viết có phần quá khắt khe bởi những sản phẩm kể trên cơ bản đâu quá tệ khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu đặt trong sự kỳ vọng rất lớn từ phía người dùng trước khi chúng ra mắt thì chắc hẳn ta cũng thấy được nỗi thất vọng không nhỏ hiện hữu ở đây. Nhìn lại quá khứ để rút ra bài học cho tương lai, đây là việc cần làm lúc này của HTC, Sony, BlackBerry hay thậm chí cả Apple.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet