Cây phù dung có tên gọi khác là mộc liên, mộc phù dung, phù dung thân mộc, địa phù dung, phù dung núi, túy tửu phù dung, sương giáng,… tên khoa học là Hibiscus Mutabilis, thuộc họ cẩm quỳ. Loại cây này có nguồn gốc từ miền đông Ấn Độ, sau này được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam, trong đó có Việt Nam.
Đây là cây thân gỗ sống lâu năm, có thể cao tới 5m, tỏa nhiều nhánh ra xung quanh. Lá có hình trái tim khá lớn, mép lá có răng cưa, mặt dưới có nhiều lông.
Hoa phù dung nở quanh năm, có 2 loại gồm cánh đơn và cánh kép, cánh hoa mềm như bông. Trong đó, loại cánh kép được yêu thích hơn vì sự tròn đầy và mềm mại của dáng hoa. Mỗi đóa hoa đều mang nét mỏng manh, yêu kiều dễ làm người khác động lòng quý mến. Nhiều người còn nhận xét, loài hoa này còn đẹp hơn cả hoa hồng.
Điểm đặc biệt của hoa phù dung là nó có thể đổi 3 màu trong một ngày. Buổi sáng khi mới nở, chúng có màu trắng và chuyển sang màu hồng vào buổi trưa. Đến chiều tối, cánh hoa chuyển sang màu đỏ rồi tàn dần. Sở dĩ cánh hoa đổi màu liên tục vì trong hoa có chứa chất anthoxyan, có tác dụng làm đổi màu hoa theo nhiệt độ của môi trường.
Không chỉ có tác dụng làm cảnh, hoa phù dung còn được sử dụng để làm thuốc. Trong Đông y, lá cây phù dung có thể hỗ trợ khử mùi, long đờm và chất làm lạnh, điều trị bệnh viêm hạch do lao; hoa có tác dụng chống độc, giảm chất độc, khử mùi, kích thích ngực, điều trị ung thư biểu mô vòm họng; hoa và lá phối với nhau được coi là vị thuốc giảm đau, kháng khuẩn, lợi tiểu, long đờm, giải nhiệt và giải các loại độc.
Đối với bệnh ngoài da, hoa và lá phù dung kết hợp làm thuốc đắp chữa một loạt các vấn đề như chốc lở, vết thương, sưng tấy và nhiễm trùng da, các vết bỏng, mụn nhọt….
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoa và lá phù dung liên kết lại có một hợp chất gọi là axit ferulic, giúp chữa bệnh tiểu đường và phục hồi độ nhạy insulin.
Cách trồng và chăm sóc hoa phù dung
Mặc dù hoa phù dung sớm nở tối tàn, nhưng vì vẻ đẹp yêu kiều của nó mà nhiều người đã trồng làm cảnh trong sân vườn nhà. Để trồng loại hoa này, bạn có thể mua cây giống tại các cửa hàng hoa cây cảnh.
Hoặc, bạn hoàn toàn có thể nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, giâm cành, chiết cành. Vốn là loại cây mọc dại bên bờ sông nên cây phù dung rất dễ trồng, chỉ cần ném hạt hay cắm cành vào đất sẽ nảy mầm, bén rễ.
Cây phù dung phát triển rất nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, muốn cây nở hoa quanh năm thì bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Cây phù dung không kén đất trồng, nhưng nên ưu tiên trồng trong đất tơi xốp, thoáng và thoát nước tốt. Nên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai để bón lót, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, nhờ đó cây sẽ phát triển nhanh hơn.
- Ánh sáng: Cây phù dung ưa sáng nhưng không chịu được ánh nắng quá gay gắt. Vào mùa hè, nên che chắn cẩn thận, nhất là vào buổi trưa để tránh cây bị héo rũ. Vào mùa đông, nên đặt cây trong nhà kính vì cây chỉ chịu được nhiệt độ tối thiểu khoảng 5 độ C.
- Tưới nước: Hoa phù dung ưa ẩm, nên tăng lượng nước tưới khi hoa nở và theo dõi độ ẩm mặt chậu vào mùa hè. Vào mùa mưa, nên hạn chế tưới nước để tránh ngập úng.
- Bón phân: Nếu giá thể ban đầu đã được bón lót, cây phù dung không cần bổ sung dinh dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, bạn nên bón phân trước và sau mỗi đợt hoa nở để cây sớm phục hồ i và nhanh cho đợt hoa mới.
- Cắt tỉa: Cây phù dung phát triển nhanh nên cần cắt tỉa thường xuyên. Việc này không chỉ giúp cây giữ dáng đẹp hơn mà còn kích thích cây nở hoa nhiều, hoa to và đẹp hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet