Tên của loài hoa này khá đặc biệt, đó là biến hoa sông Hằng. Loại cây này còn có tên gọi khác là thập vạn thác, rau ngót Nhật, tên khoa học là Asystasia gangeticam, thuộc họ Ô rô. Cây này có nguồn gốc rừng nhiệt đới Á, Âu, Phi, sau đó thì nhập sang Mỹ.
Loại cây này phát triển nhanh, có thể cao tới 60cm, lá hình trứng, có lông mịn với màu xanh đậm. Người ta còn thường trồng cây biến hoa sông Hằng như một loại rau, lấy ngọn non để ăn. Ngọn rau có thể xào, luộc hoặc nấu canh,… đều được, nó có vị ngọt và thanh mát.
Không chỉ ngon, loại rau này còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo, các loại vitamin,… mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh nhiệt, lợi sữa, lợi tiểu, cải thiện chất lượng tinh trùng,…
Ngoài ra, cây này còn được trồng như một loại hoa, cây cảnh để trang trí, vì cây có hoa đẹp với nhiều màu sắc khác nhau như hồng, trắng, tím,… Tuy nhiên để trồng làm cảnh, người ta thường ưu tiên chọn cây biến hoa sông Hằng cẩm thạch, một số nhà vườn còn gọi với cái tên ngắn gọn hơn là cẩm thạch hoa.
Nó có các đặc điểm giống như cây biến hoa sông Hằng, chỉ khác ở điểm lá có màu xanh nhạt bóng, điểm các đốm màu trắng hoặc hồng nhạt. Vì lá đẹp, hoa đẹp và nở 3 mùa một năm, mỗi đợt nở cả trăm bông nên nó có giá trị làm cảnh cao, được mệnh danh là “cỗ máy ra hoa”.
Cách trồng và chăm sóc cây biến hoa sông Hằng cẩm thạch
Cây cảnh này có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành hoặc gieo hạt. Với phương pháp giâm cành, bạn hãy chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh, cắt thành từng đoạn dài khoảng 20cm rồi cắm cành vào đất với độ nghiêng 45 độ là được. Sau khoảng 20 ngày, cành giâm sẽ bén rễ.
Với phương pháp gieo hạt, bạn chỉ cần rắc hạt vào đất. Ngoài ra, khi hạt rụng uống đất, nó cũng có thể tự nảy mầm được.
Thói quen sinh trưởng của cây biến hoa sông Hằng cẩm thạch tương tự như cây hoa giấy. Chúng đều là những cây có sức sống mãnh liệt, chịu được nóng, nắng, khô hạn, cằn cỗi. Cây cũng không có bệnh tật hoặc côn trùng gây hại, nên không cần phải chăm sóc nhiều.
Nhưng muốn hoa nở nhiều, cả trăm bông một lúc thì trong quá trình chăm sóc bạn vẫn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Chậu hoa và đất trồng: Loại hoa này phát triển nhanh nên cần thay chậu, thay đất thường xuyên. Giai đoạn đầu nên dùng chậu hoa loại 3 lít và bón lót một ít phân hữu cơ hoai mục ở phía dưới. Về đất trồng, tốt nhất là đất vườn tơi xốp, dễ thoát nước và giàu dinh dưỡng.
- Ánh sáng: Cây chịu được bóng râm nhẹ, ưa nắng. Khi cây nhận được nhiều nắng sẽ phát triển mạnh hơn, ra hoa thường xuyên hơn. Nếu thiếu ánh sáng thì cây có thể nở nhưng hoa sẽ nhỏ, khó coi. Vì vậy, tốt hơn hết nên trồng cây ở nơi thoáng đãng, nhận được nhiều ánh sáng như ban công hướng Nam.
- Tưới nước và bón phân: Cây chịu hạn tương đối và không cần tưới nước liên tục, chỉ nên tưới sau khi đất khô. Tần suất tưới nước tăng nhẹ vào mùa hè. Mùa xuân và mùa thu là thời kỳ cây phát triển mạnh, nở hoa nhiều nên bạn cần cung cấp đủ phân bón và nước cho cây. Tốt nhất nên hòa một lượng nhỏ phân bón vào nước rồi tưới cho hoa, chẳng hạn như bạn có thể pha kali dihydro photphat với nước theo tỉ lệ 1:800 để tưới cho cây.
Ngoài ra, sau khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông, hãy tỉa cây để khuyến khích cây phát triển thêm cành mới. Bằng cách này, vào mùa xuân năm sau, cây biến sông Hằng cẩm thạch sẽ dễ dàng nở hoa.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet