Ở nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại TP.HCM, việc chung chi không diễn ra trực tiếp, mọi thứ đều thông qua “cò”. Tệ hơn, các đăng kiểm viên (ĐKV) còn cấu kết với garage hoặc thợ tự do để kiếm chác thông qua việc sửa chữa những xe bị đánh rớt.
“Cò” làm thay đăng kiểm viên
"Cò" Phúc làm giá một tài xế trước cổng TTĐK 50-05V. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Các công đoạn bắt mối, làm giá, hướng dẫn thủ tục, chỉnh sửa, đậu hay rớt đều do “cò” quyết định. Chỉ những mối lớn (nhiều xe), thường xuyên làm ăn thì chủ xe liên hệ qua điện thoại, thông báo ngày giờ xe tới đăng kiểm, sau đó “quy ra thóc” (tính ra tiền) mà nộp đủ.
Tại trung tâm 50-05V, (C200 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp), anh Nhưng, chủ một chiếc xe khách 50 chỗ, cho biết lần đầu vào xét xe và bị đánh rớt. Đang tính đưa xe ra garage nhờ sửa thì “cò” Phúc xuất hiện và ra giá 1,1 triệu đồng. Anh Nhưng đồng ý ngay. Lát sau, Phúc ra thông báo “chờ tí nữa có người ra... dán tem luôn, không cần vào khám lại”. Không đầy nửa tiếng sau, một cán bộ đăng kiểm ra dán tem, cấp phép lưu hành cho chiếc xe (vốn không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật). “Ở đây xe nào cũng có bệnh nhưng chung đủ là qua hết”, một tài xế đứng gần đó buột miệng nói.
*Đổi sổ kiểm định phải về nơi cấp sổ |
*Tư nhân làm đăng kiểm, nhà xe được lợi |
*Cục đăng kiểm mở chiến dịch chống tiêu cực |
*Ăn tiền ở trạm đăng kiểm ôtô |
Theo tiết lộ của một số “cò”, tỉ lệ ăn chia với cán bộ TTĐK là 3-1 (đối với xe du lịch), 5-2, 6-2 hoặc 8-3 (đối với xe khách 50 chỗ, đầu kéo, xe tải thùng, rơ-mooc...). Ví dụ, một chiếc đầu kéo “cò” lấy 1 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí dư gần 800.000 đồng. Nếu theo tỉ lệ 8-3 thì phần “cò” bỏ túi 300.000, còn 500.000 là của ĐKV. Một “cò” chuyên chạy đăng kiểm ở TTĐK 50-06V cho biết thường gom lại 50-100 xe rồi đến tận nhà hoặc hẹn ở đâu đó chung tiền. Nếu xe nhiều thì 2-3 ngày, xe ít thì 5-7 ngày chung một lần. |
Tại TTĐK 50-06V (118 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7), các “cò” Dũng “miền Đông”, Tâm và Vũ “lùn” chi phối hoạt động đăng kiểm chui, trong đó, Dũng “miền Đông” rất có uy, không cần tham khảo ý kiến của các ĐKV về việc giá cả mà tự quyết định. Theo ghi nhận, 100% xe qua tay các “cò” là đậu. “1,05 triệu cho một đầu kéo, bao trọn gói tiền lệ phí, tiền chung chi cho đăng kiểm viên”, “cò” Tâm ra giá, sau đó đưa số điện thoại để tiện liên lạc và giục “đem xe lên làm cấp tốc”.
Tại TTĐK 50-04V (xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9), có Sáu “cò” ngày ngày đánh xe con đến “làm việc” như một đại gia. Khi được đề nghị kiểm định giúp hai chiếc đầu kéo, Sáu “cò” nói phải khai bệnh thật chính xác để vào báo với sếp và xin ý kiến “chỉ đạo”. Lát sau, Sáu “cò” ra thông báo: “1,4 triệu một chiếc, bao từ A đến Z”. Trừ đi lệ phí 220.000 đồng, khoản còn lại Sáu “cò” và những người khác bỏ túi.
Cấu kết “làm thịt” khách hàng
Thợ thay láp cho một chiếc xe bị đánh rớt ở TTĐK 50-03S. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Tại hầu hết TTĐK đều có dịch vụ sửa chữa, mua bán phụ tùng sẵn sàng phục vụ những chiếc xe bị đánh rớt. Nhiều trung tâm có garage, xưởng sửa chữa nằm ngay trong khuôn viên hoặc rải rác gần đó. Ngoài ra còn có những nhóm thợ tự do túc trực ngay bên ngoài các chuyền kiểm định để bắt mối.
Nhiều nơi đăng kiểm viên không cần giấu giếm, bỏ nhỏ tài xế ra tiệm ông này, bà nọ sửa rồi sẽ được giúp đỡ trong lần xét lại. Anh Hưng, một tài xế, cho biết: “Nói là sửa chứ có sửa gì đâu. Tay nghề thợ thầy ở đây chỉ ngang mức... sửa xe đạp, phụ tùng không đâu vào đâu, đồ nghề thì lèng xèng vài cái mỏ-lết. Những lỗi nặng như bể thắng, kẹt ga, gãy láp thì chỉ biết đứng nhìn. Vậy mà mấy ổng chỉ cần chui xuống gõ gõ vài cái, vào xét lại là đậu ngay. Tài thiệt”.
Sát vách TTĐK 50-03S là xưởng sửa chữa xe Isamco Bình Triệu lúc nào cũng đông khách, phần lớn là xe bị đánh rớt vì các lỗi nặng. Bên trong TTĐK này có một nhóm thợ gần 10 người chuyên thầu các trường hợp sửa chữa nhỏ. Giờ cao điểm xe vào kiểm định đông nghẹt. Hết xe này đến xe khác lần lượt ra khỏi chuyền là chạy về cuối sân, nơi có nhóm thợ đang làm việc. Xe nào cũng bị đánh rớt ít nhất là một lần, nặng thì vào xưởng Isamco, nhẹ thì nhờ đám thợ chỉnh sửa. Một chiếc xe hỏng ra ngoài tự sửa, vào đăng kiểm bị đánh rớt. Lần thứ hai về garage sửa cũng rớt tiếp. Khi chủ xe cầu cứu thợ bên trong TTĐK, y như rằng vào đậu ngay. Mẫn, quản lý nhóm thợ ở đây, nhắc nhở: “Ai biểu không kêu tụi tui. Ông mà sửa ở ngoài đến chục lần cũng không đậu đâu”.
Tại một số TTĐK ở TP HCM, mặc dù đã ăn tiền của “cò” nhưng xe vẫn bị đăng kiểm viên hành. Ngồi chờ nhóm thợ sửa lại thắng xe tại TTĐK 50-06V, anh Đồng, lái xe, đưa ra tờ “sớ”, nói giọng rầu rĩ: “Chủ xe đã gọi điện trước cho mấy ổng, chung tiền đầy đủ mà cũng bị hành, bắt sửa lại quá trời”. Một chiếc xe khác bị đánh rớt chạy tới nhờ nhóm thợ giúp đỡ. Tay thợ tên Thiện chui xuống gầm gõ gõ, rồi chui ra thông báo: “Hư láp, bể thắng, phải đi lấy phụ tùng về ráp”. Tuân, được coi là thợ cả của nhóm này, khoe “quen thân với cán bộ trạm, trạm dời đi đâu mấy ổng kêu đi theo đó”. Và Tuân cười tế nhị: “Không chung chi cho mấy người trong trạm sao tồn tại ở đây được”.
Các tài xế cho biết tiền công sửa chữa, thay phụ tùng ở khu vực xung quanh các TTĐK đắt gấp 4-5 lần giá bình thường. Nhiều tài xế phải bấm bụng chấp nhận cái giá trên trời để được đăng kiểm viên cho qua.
(Theo Tuổi trẻ)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet