Minsk là tên thành phố thủ đô của Belarus. Năm 1945, Đức sửa chữa lại nhà máy chuyên sản xuất xe máy và xe đạp ở Minsk, có tên là Minsk Moto-Velo Zavod. Huyền thoại xe máy 2 thì Minsk ra đời lần đầu tiên vào năm 1951 và có mặt ở Việt Nam cuối những năm 1960.
70% lượng xe đạp Minsk xuất khẩu sang Nga, tới 90% xe máy Minsk đưa sang các quốc gia khác như Iran, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Anh, Pháp, Mỹ và Đức.
Chiếc xe đầu tiên của Minsk có tên M1A ra đời vào năm 1951, phát triển dựa trên nguyên mẫu là chiếc DKW RT 125 có mặt từ trước thế chiến thứ II. Chiếc xe đầu tiên sử dụng động cơ 2 thì dung tích 125 phân khối , làm mát bằng không khí, tốc độ tối đa khoảng 70 km/h, hộp số chỉ có 3 cấp. M1A được cải tiến đôi chút vào những năm 1956-1957 với cái tên M1M. Năm 1958 một sản phẩm mới với tên gọi M-101 có kiểu dáng mới mẻ hơn M1A nhưng vẫn giữ nguyên động cơ.
xe Minsk
Cái tên thứ hai đáng chú ý sau M1A là Aist 125, mẫu xe này trở thành bom tấn tại thị trường Nga thời đó. Ra đời vào những năm 1970, mẫu xe có nghĩa "con cò" có in hình con cò trên bình xăng. Động cơ hai thì sản sinh công suất 10 mã lực, hộp số 4 cấp và đánh lửa điện. Thị trường Nga ưa chuộng các mẫu xe Minsk, đặc biệt Aist 125 bởi lẽ dòng xe này khỏe khoắn, đơn giản, dễ sửa chữa. Minsk cũng đã có tiếng vang bởi không chỉ xe đạp, xe máy mà còn sản xuất cả động cơ cho các giải đua xe chuyên nghiệp.
Ngoài hai cái tên đáng chú ý là M1A và Aist 125, Minsk còn nhiều mẫu xe khác của dòng M như M101 đến 106, 111 đến 115. Năm 2003 Minsk có sản xuất cả xe máy động cơ 4 thì với kiểu dáng giống với những xe hiện nay. Nhưng dường như hình ảnh những chiếc Minsk 2 thì đời cũ đã ăn sâu vào tiềm thức những người yêu mến dòng xe này, vì thế lứa sản phẩm mới không đạt nhiều thành công.
Tại Việt Nam, Minsk xuất hiện từ những năm 70 nhưng với số lượng không nhiều, đến những năm 80-90, khi phong trào đưa người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa lên cao, lượng Minsk được đưa về nước ngày càng nhiều. Sau khi Liên Xô tan rã, công nghệ chuyển giao cho Trung Quốc, nhưng chất lượng xe lắp ráp từ thời kỳ này bắt đầu giảm. Minsk nhanh chóng chiếm được cảm tình bởi các đặc điểm khỏe, chở được nặng, chạy đường địa hình tốt và giá rẻ hơn so với xe Nhật.
Xe Minsk được ưa chuộng ở Việt Nam
Nhưng cũng bởi nguyên nhân xe 2 thì, tiếng máy nổ to bạch bạch, nhiều khói, không mấy thanh lịch nên không xuất hiện nhiều ở thành phố mà chỉ ưa chuộng chủ yếu ở khu vực miền núi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và sử dụng vào mục đích chở vật nuôi, hàng hóa trên đường đèo núi quanh co. Cũng bởi hình thức sử dụng này mà Minsk được gắn cho cái tên không mấy mỹ miều, "xe chở lợn".
Nhưng thời gian gần đây, khi phong trào du lịch lên cao, hình ảnh Minsk cùng chủ nhân và rất nhiều đồ đoàn trên xe băng băng khắp những loại địa hình dọc đất nước khiến Minsk lại "hot" trở lại. Nhiều người tìm đến với Minsk để được tìm lại cảm giác chinh phục với khối động cơ 2 thì, tiếng nổ và mùi nhớt "thơm" đặc trưng. Minsk ở Việt Nam thường phân ra thành hai loại là Minsk dân dụng, gọi là Minsk "lùn", và Minsk thể thao hay Minsk "cao".
Minsk cũng như những loại xe cổ khác, đã chấp nhận chơi xe là chấp nhận vất vả với xế yêu. Bởi lẽ, "cổ" là "khổ". Minsk rất hay hỏng hóc vặt, không một vài lần dắt bộ Minsk cả vài km thì chưa phải là người chơi Minsk. Hình ảnh bụi bặm rừng núi cũng không phù hợp với sự hào nhoáng của thành phố, vì thế đa phần người chơi Minsk sử dụng xe vào những cuộc ngao du đây đó, với những tâm hồn thoáng đãng rộng mở. Người đi xe thường tập trung thành các hội nhóm để chia sẻ kinh nghiệm và tình yêu Minsk, chiếc xe đến từ thời hào hùng của chủ nghĩa xã hội.
ST: XI-IV-XIII
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet