Nghề vận chuyển "lên xe là ra tiền" có thật vậy không?
shipper sinh viên kiếm 5 triệu mỗi tháng
Vì đặc điểm của nghề là cần có phương tiện như xe máy, điện thoại, sức khỏe, sự nhanh nhạy và thường lượng việc chỉ dồi dào tại các thành phố lớn nên phần nhiều shipper (người giao hàng) là sinh viên.
Nhờ thường xuyên vào facebook, tham gia một số nhóm hội chuyên kinh doanh mua bán hàng trên mạng nên vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội học được vài tháng, Duy Thành, sinh viên năm 2 đại học Thương mại Thanh Hóa, SV năm 2 đại học Thương mại) đã nhanh chóng chọn nghề giao nhận hàng để kiếm thu nhập trang trải chuyện học hành.
Hội ship nội thành ứng tiền Hà Nội trong một buổi giao lưu sau ngày làm việc vất vả.
Thành cho biết, thời gian đầu cậu xin làm nhân viên bán thời gian cho một công ty dịch vụ giao hàng nhanh. Lúc đó, Thành được hỗ trợ xăng xe và chia tỷ lệ hoa hồng theo năng suất công việc. Nhưng sau đó, khi đã có lượng khách quen nhất định, Thành tách ra làm riêng, vừa chủ động thời gian mà tiền kiếm được nhiều hơn. “Chị tính, giao hàng nội thành mỗi đơn được 25.000 đồng mà còn chia lãi ra thì được bao nhiêu. Nên sau khi quen việc, quen đường em tự động tách ra. Thực ra để có lượng khách quen không khó. Bây giờ các shop online nhiều vô kể, mình làm có uy tín thì ngoài việc có shop quen còn được giới thiệu thêm nhiều khách mới", Thành chia sẻ.
Theo lời shipper sinh viên này, quan trọng nhất là phải nhiệt tình, đúng giờ để shop và khách hàng tin tưởng. Hiện trung bình một ngày em cũng có khoảng chục đơn hàng, có hôm mấy shop đông khách góp lại lên tới 30 đơn mà chỉ cần đi 2 cung đường khá ngắn, trừ tiền xăng xe, nước uống, điện thoại, mỗi ngày em cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng, một tháng từ 4 đến 5 triệu, vậy là vừa đủ tiền thuê trọ, học phí và ăn uống nếu tiết kiệm. Nhiều bạn chăm hơn em còn chấp nhận ship hàng đêm, hơi mệt nhưng giá cao hơn lại không bị tắc đường”, Thành chia sẻ.
Nghề ship không chỉ hút sinh viên từ các tỉnh mà còn nhanh chóng trở thành nghề “hot” của chính các bạn trẻ tại thủ đô. Nhà Ngọc Ánh (20 tuổi, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bán hoa quả ngay chợ Long Biên. Từ việc giúp mẹ bán hàng trên mạng khá đông khách rồi kiêm luôn việc hàng ngày ship hoa quả tươi cho khách với mức phí 20.000 - 25.000 đồng/đơn nội thành, Ánh thấy rõ đây là nghề tay trái giúp cô bỏ túi tiền triệu mỗi tháng nên cô quyết định sẽ nhận ship hàng cho các shop bán đồ ăn nhanh, quần áo khu vực chợ Long Biên, Đồng Xuân, phố cổ.
“Chơi” hẳn xe vespa đi ship hàng nhưng vì cung đường ngắn, đơn lại nhiều và ổn định nên Ngọc Ánh không ngại. “Chẳng lẽ vì nghề tay trái này mà mình phải đầu tư mua hẳn một em xe số? Mình học nửa buổi, sáng đi ship hàng cho mẹ, tan học về thì đi ship đồ ăn vặt, hàng mỹ phẩm, quần áo cho mấy shop quen trong Đồng Xuân với phố cổ. Mình chỉ nhận ship những đơn nội thành nhưng ngày cũng được hơn hai chục đơn nên tính ra có tốn ít tiền xăng thì vẫn lãi”, cô cười giải thích.
Giao thức ăn nhanh bằng xe đạp
Nhận thấy nghề ship mang tới thu nhập tốt, một số bạn trẻ còn quyết định thành lập nhóm ship, thuê kho, nhận đơn, chia cung đường hoạt động. Việc làm này giúp nhóm thâu tóm được nhiều khách, hoạt động trên địa bàn rộng hơn và thu nhập ổn định. Như Phong (Hoàng Mai), trưởng nhóm shipsieunhanh tại Hà Nội cho biết: “Trước kia mỗi bạn trong nhóm mình chỉ có thể nhận ship tại một địa bàn nhất định, thấy nhiều đơn khác cung đường tiếc nhưng số lượng đơn không đủ để ghép cung nên đành chịu. Từ ngày thành lập nhóm, tụi mình chủ động nhận được nhiều đơn hơn, ngoại thành cũng nhận hết về kho sau đó chia cung đi ship, lợi nhuận chia đều. Lượng đơn ngày càng tăng vì giá cả hợp lý, giao nhận đúng giờ, thu nhập của các thành viên trong nhóm trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng, ổn định hơn trước”.
Tuy vậy, Phong tâm sự, shipper hoạt động theo nhóm cần gắn bó và biết thông cảm cho nhau thì nhóm mới bền. Cậu giải thích, phần lớn lượng đơn nội thành nhiều hơn ngoại thành, các bạn chạy đơn nội thành cung đường ngắn nhưng nhiều đơn, ngoại thành ít đơn nhưng đường dài, bụi. Ai cũng vất vả như nhau, lại phải đảm bảo uy tín với các shop, khách và sự bền vững lâu dài nên không thể tính số đơn mỗi người chạy dược quy ra lương của cá nhân đó mà tụi mình thỏa thuận chia đều hết.
Shipper không chuyên: Kẻ khóc, người cười
Sáng sớm và chiều tối là khoảng thời gian chị Hồng Ánh (Long Biên, Hà Nội) tranh thủ ngoài giờ hành chính đi ship hàng kiếm tiền xăng xe, bỉm sữa cho con. “Đồng lương thấp mà chi phí tiêu dùng ngày càng tăng, con cái lại đang tuổi ăn tuổi lớn nên việc gì kiếm ra tiền là làm thôi, miễn là việc thiện”, chị chia sẻ. Hàng chị Ánh nhận ship cũng đủ thể loại như sữa xách tay, tinh dầu, quần áo… phần lớn là những thứ nhẹ nhàng, hợp với sức phụ nữ. Chị cho biết, mỗi tháng cũng kiếm được vài ba triệu, đủ bù tiền xăng mà chi vào một số khoản phụ. Tuy nhiên, phụ nữ, lại là ship không chuyên nên chị Hồng Ánh thi thoảng cũng gặp những chuyện cười ra nước mắt.
Vận chuyển hàng hóa của hệ thống siêu thị
Chị kể lại: “Rất nhiều lần ship hàng quần áo, shop và khách đều mua bán, chọn lựa hàng qua mạng mà không sờ tận tay nên khi thuê ship tới, khách không vừa ý với hàng, không chịu thanh toán tiền mà shop cũng không chịu nhận lại, mình ở giữa cứ ngớ người ra, vừa tốn công tốn sức, tốn cả tiền điện thoại. Lại có hôm có đơn, không rành đường mà cứ đoán đoán rồi nhận, tới khi đi ship thì ôi thôi, đường vòng vèo quanh co, xa, vắng, vừa đi vừa sợ mà tiền ship chẳng đủ tiền xăng”.
Cũng chung cảnh lạc đường như chị Ánh, bạn Phương Chi (quê Hà Tĩnh, SV đại học Ngoại thương) bật khóc ngay ngày đầu đi ship. Phương kể lại, do không thạo đường Hà Nội nhưng ham kiếm tiền nên bạn nhận ship 3 đơn ở các điểm là Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), Lê Duẩn và Cầu Diễn (Từ Liêm), mỗi đơn 25.000 đồng. Chi nghĩ 2 điểm đầu thì thôi, cố để có khách quen, điểm thứ 3 gần chỗ trọ nên cũng cố nốt, sẽ ship rồi về nhà luôn. Nhưng không ngờ nhà khách ở Cầu Diễn đi vào rất vòng vèo, ra gần giữa đồng, trời thì tối, tới nơi khách lại còn chê, không chịu nhận hàng. Còn có lần Chi đi ship bị lừa gần triệu bạc chỉ vì nhận hàng, giao tiền, nhưng khi mang đi cho khách thì hóa ra địa chỉ ma, mở gói hàng ra thì là váy áo đã bị lỗi.
Trong giới shipper cũng hay truyền tai nhau những câu chuyện khá đặc biệt về nhiều người lấy ship làm sở thích, như có bác Bảy, shipper 72 tuổi thỉnh thoảng cũng đi ship nộm bò khô khu vực hồ Gươm bằng xe đạp, vừa đi luyện gân cốt, vừa ngắm phố phường, về lại có tiền trà thuốc. Có chú L. đi du học ở Nga về sau nhiều ngã rẽ cuộc đời, giờ là “shipper giấu mặt”, thi thoảng làm chuyến phượt ngoại ô cũng tranh thủ ship kiếm bù tiền xăng xe, chi phí ăn uống trên đường… Mấy ai nghĩ một nghề là mốt kiếm tiền của giới trẻ, là những cố gắng nhọc nhằn với nhiều người nhưng cũng lại là thú vui của không ít người như vậy.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet