Bị trói vào chiếc cọc đóng trên mặt đất rồi cắt họng, một con trâu quằn quại đổ ụp thân xác to lớn xuống bãi cỏ. Sau khi trút hơi thở cuối cùng, con vật nằm bất động trong tư thế ngẩng cao đầu. Dưới cổ vẫn là vết thương rộng, sâu và đang hở hoác. Dần dần chiếc đầu cũng gục xuống nền đất ẩm ướt, kết thúc một phần nghi lễ tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia theo tục lệ của bộ lạc cổ Toraja, nằm ở phía nam đảo suluwesi (Indonesia).
Người dân sống trong bộ lạc tin rằng linh hồn người đã khuất sau đó tới Puya – miền đất của linh hồn. Lễ an táng tại đây được xem là sự kiện trọng đại và thiêng liêng nhất trong đời. Bởi thế, lễ tang có thể được tổ chức sau khi người quá cố qua đời cả tuần, cả tháng, thậm chí cả năm, nhằm giúp cho thân nhân kiếm đủ tiền để trang trải chi phí đám ma. Trong thời gian này, xác sẽ được bọc trong những bộ quần áo để bên dưới “tongkonan” hay ở nhà.
Những căn nhà truyền thống là nơi tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang người đã khuất ở bộ lạc Toraja. Ảnh: Rough Guides |
Tháng 6 đến 9 là giai đoạn cao điểm, thường gọi là mùa an táng. Gần như ngày nào cũng có gia đình tổ chức tiễn đưa thân nhân về nơi an nghỉ cuối cùng. Để tìm hiểu thêm về tục lệ này, một du khách Ba Lan – Anthon Jackson đã cùng vợ - Joanna thuê một chiếc xe máy với giá 4 bảng Anh (hơn 140.000 đồng) và đi tìm những địa điểm diễn ra tang lễ.
Cách ngôi làng của bộ lạc toraja khoảng 20 phút lái xe về phía đông nam, trên con đường lầy lội dọc cánh đồng, Antho bắt gặp hình ảnh hàng trăm khách mời cùng người thân, gia đình và thậm chí là cả du khách đang được dẫn lối bởi hướng dẫn viên thuê từ nơi khác đến. Tại đây, chiếc quan tài được đặt giữa những căn nhà truyền thống chạm trổ công phu với mái uốn cong bằng tre.
Người Toraja tin rằng hiến tế nhiều trâu, lợn là biểu hiện của lòng kính trọng đến người đã khuất. Ảnh: Rough Guides |
Anthon được đưa tới gặp một phụ nữ nhỏ nhắn, mặc đồ đen và là trưởng tộc. Sau đó, anh kính cẩn dùng hai tay dâng tặng món quà là một thùng thuốc lá đinh hương. Nở nụ cười cùng cái bắt tay yếu ớt, người phụ nữ này dẫn vợ chồng Anthon tìm chỗ ngồi, bước xuyên qua cả chục con lợn đang kêu ré, nằm trên vạt cỏ và sắp bị giết mổ.
Trong nhà, những phụ nữ có mặt nhai kẹo còn nam giới nhấm nháp rượu cọ. Họ cùng nhau trò chuyện nhiều giờ cho đến khi thức ăn được dọn ra phục vụ. Chỉ tới lúc lễ tang trở nên ồn ã, Antho mới ngó ra và bắt gặp hình ảnh 12 người đàn ông nhấc bổng chiếc quan tài, rảo bước thành vòng tròn xung quanh bãi cỏ. Họ vừa đi vừa lắc chiếc hòm mạnh tới nỗi có thể làm gãy xương tử thi nằm bên trong để chắc chắn vong hồn người đã khuất lìa thân xác và lên đường về cõi vĩnh hằng.
Trong đám rước trang trọng, thân nhân người quá cố - một góa phụ mỉm cười, theo sau là những người cao tuổi, cùng địa vị và đều mặc đồ đen. Họ dẫn đầu đoàn đưa tang cùng một đoạn khăn dài màu đỏ gắn liền với chiếc quan tài.
Nơi yên nghỉ của người đã khuất thường là trong các hang đá vôi xung quanh ngọn đồi. Một số người Toraja khác còn treo quan tài lên mỏm đá trong nhiều năm cho đến khi chúng tự phân hủy, mục nát và rơi xuống.
Những hình nộm với tên gọi "tau tau" có nhiệm vụ canh chừng cho vùng đất xung quanh ngôi mộ. Ảnh: The Environment |
Trở lại với bàn tiệc, thức ăn vẫn tiếp tục được dọn ra và những con trâu lại chuẩn bị lôi tới bãi cỏ làm vật hiến tế. Kể từ khi người Hà Lan thâm nhập vào cao nguyên sương mù Tana Toraja, thuyết duy linh “Về với tổ tiên” (Aluk To Dolo) của bộ lạc bị phai nhạt khá nhiều do ảnh hưởng của đạo Cơ đốc. Chỉ còn nghi thức tang lễ đặc trưng này tồn tại và duy trì cho đến ngày nay.
Dù vậy, đám tang vẫn là dịp tốn kém trong đời sống của người Toraja với nhiều lễ nghi và tục hiến tế động vật. Người dân bộ lạc sẵn lòng tiết kiệm suốt nhiều năm để chuẩn bị đám tang. Họ cho rằng càng tích lũy nhiều trâu, lợn dùng trong buổi lễ càng thể hiện tấm lòng trân trọng người quá cố. Những xác chết theo đó cũng phải chờ tới khi gia đình đủ điều kiện tổ chức tang lễ. Quá trình này có thể kéo dài tới vài năm.
Tạm biệt người Toraja trong căn chòi ám đầy khói thuốc, Anthon cùng vợ trở lại con đường cũ và vẫn còn nghe rõ tiếng kêu của những con lợn trong lò mổ vang vọng khắp núi đồi. Anh cũng lái xe lên một mỏm đá và tìm thấy nhiều sọ người ngay ở cửa hang. Gần đó là đống đổ nát từ những chiếc quan tài.
Tại hang mộ Londa, từ vách đá đến nơi chôn cất là đoạn đường chỉ dài vài mét nhưng lấp đầy bằng hình nộm của những người quá cố với tên gọi “tau tau”. Các hình nộm này được vẽ thô sơ với những cặp mắt nhìn chằm chằm ra cánh đồng lúa bên dưới. Theo quan niệm của người Toraja, những “tau tau” đặt tại đây có nhiệm vụ canh chừng khắp vùng đất này.
Trần Hằng (theo Rough Guides)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet