Các dịp lễ, Tết trong năm là khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và mua sắm của mọi người. Gác lại những ngày lao động vất vả quanh năm, ai cũng muốn tận hưởng một kì nghỉ trọn vẹn nhất. Thế nhưng, lại có những nghề kiếm được bộn tiền vào những ngày “chẳng ai muốn lao động” này.
Bán bánh mứt Tết, giữ xe, bán đồ ăn vặt, chăm thú cưng, cho thuê cây cảnh, bán hoa tết, dọn nhà,… là những hình thức kinh doanh và dịch vụ “hái” ra tiền vào những ngày mức cầu tăng cao.
Từ đua nhau kinh doanh “tức thời”…
Vốn là đất nước có bề dày lịch sử dựng nước với những phong tục tập quán lâu đời. Vì vậy, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người Việt Nam thường có những quan niệm về việc chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ, để cầu mong năm mới sung túc và gặp nhiều may mắn. Thế nên, những ngày cuối năm người ta đổ xô đi mua sắm để dự trữ mọi thứ trong nhà. Đặc biệt, nắm được nhu cầu của người mua, những sạp bánh, mứt Tết mọc lên khắp nơi từ đầu phố ra đến chợ.
Những người buôn bán lâu năm cho biết rằng Tết là dịp người ta tranh thủ kiếm tiền nên chuyện người bán nhiều hơn ngày thường là điều dễ hiểu.
Với một ít vốn bỏ ra, những người khéo nấu ăn có thể làm những món ăn, bánh mứt đặc trưng cho ngày Tết như dưa muối, bánh chưng, mứt dừa, mứt gừng, nem chả... để bán. Đặc biệt, giữa lúc đâu đâu cũng đầy rẫy thực phẩm độc hại, việc lựa chọn những loại thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm càng được người tiêu dùng ưu tiên hàng đầu và chấp nhận mua với giá cao hơn so với thị trường chung. Nhất là trong thời điểm bận rộn cuối năm, việc tự làm bánh mứt và giao hàng tận nơi càng tăng thêm tính cạnh tranh.
Bánh mứt là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. (Ảnh Internet)
Ngoài bán thực phẩm, người ta còn có thể hái ra tiền nhờ việc kinh doanh quần áo Tết. Nhu cầu ăn ngon mặc đẹp ngày càng được chú trọng trong cuộc sống đủ đầy ngày nay. Một cửa hàng quần áo có thể thu về hàng chục triệu đồng nhờ bán đồ Tết. Một chiếc áo, quần bán ra có thể lời đến cả trăm nghìn. Với những kiểu đồ đang được ưa chuộng, có khi người bán hét giá "trên trời" nhưng vẫn tấp nập người mua.
Một cửa hàng quần áo có thể thu về vài chục triệu đồng nhờ bán đồ Tết. (Ảnh Internet)
Đã gọi là Tết thì nhất định không thể thiếu sắc thắm của hoa. Ngoài những lọ hoa tulip, lay ơn… dùng để đặt lên bàn thờ tổ tiên thì người Việt còn có sở thích mua những chậu quất, cúc, mai, đào, hướng dương… để trưng trong nhà “ba ngày Tết, bảy ngày xuân”. Người ta quan niệm sự rực rỡ và hương thơm của hoa sẽ cho một năm mới nhiều điều tốt đẹp. Có lẽ thế, mà ở mỗi địa phương vào những ngày giáp Tết thường có chợ hoa với đủ các loại hoa lạ và đẹp. Những người bán hoa chủ yếu là kinh doanh thêm để kiếm tiền cho tiêu Tết. Thậm chí, có cả những bạn sinh viên cùng góp vốn để mua hoa về bán. Một chậu hoa có giá dao động từ 150.000 – 300.000 đồng, có khi lên đến vài triệu. Và người bán có thể điều chỉnh giá tùy theo giá trị, vẻ đẹp của mỗi chậu hoa.
Người ta quan niệm sự rực rỡ và hương thơm của hoa sẽ cho một năm mới nhiều điều tốt đẹp. (Ảnh Internet)
Đó là việc kinh doanh những ngày giáp Tết, còn những ngày trong Tết, người ta có thể kiếm ra vài triệu đồng mỗi ngày chỉ bằng việc bán thức ăn nhanh. Ngày Tết, mọi người thường thích đi chơi, nếu không đi chúc Tết người thân, bạn bè thì cũng đến các điểm vui chơi giải trí như hội chợ. Chính vì là chơi Tết nên sẽ ít quan tâm giờ giấc, nhiều người thường "đói đâu ăn đó" chứ không theo bữa. Đây là dịp để các hàng hủ tiếu, bánh canh, cá viên chiên… thi nhau kiếm lời. Một tô hủ tiếu vào ngày Tết thường có giá 40.000 - 50.000 đồng vẫn có rất nhiều người ăn, bởi tâm lí "Tết là ăn chơi thoải mái". Thế nên, chỉ với việc bán những món ăn nhanh, quen thuộc, người bán có thể thu lại vài chục triệu trong ba ngày Tết.
Một tô hủ tiếu vào ngày Tết thường có giá40.000 - 50.000 đồng vẫn có rất nhiều người ăn, bởi tâm lí Tết là ăn chơi. (Ảnh Internet)
Những năm trở lại đây, xuất hiện thêm mốt chơi cây tài lộc bằng tiền thật. Với quan niệm đầu năm cây nở ra tiền thì cả năm sẽ làm ăn khấm khá, vậy nên, nhiều người thường sắm một cây để trong nhà. Những cây tài lộc thường được làm bằng những tờ tiền có mệnh giá rất nhỏ như 200 đồng và chúng được gấp thành lá, hoa trang trí lên một thân cây. Thực tế, việc làm ra những cây này không quá phức tạp và chi phí thấp. Nhưng vì giá trị tinh thần cao nên người ta có thể bán 1 mà lời 100 - 200 lần từ những cây tài lộc này.
Những cây tài lộc này vốn đang "hút hàng" mấy năm gần đây mỗi dịp Tết về. (Ảnh Internet)
Đến “bão” giá dịch vụ
Không cần bỏ vốn mà "ôm" được khối lời phải kể đến dịch vụ giữ xe. Cả trước và trong Tết, việc giữ xe luôn “hái” ra được rất nhiều tiền. Người dân đi mua sắm và chơi lễ, dù mức giá giữ xe tăng nhưng vẫn bấm bụng chấp nhận nếu không muốn quay qua quay lại xe đã "không cánh mà bay". Giá một vé giữ xe vào những ngày này thường tăng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp chục lần ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… Tùy vào thời gian và địa điểm mà giá gửi một chiếc xe dao động từ 15.000 – 50.000 đồng/xe máy, 50.000 – 100.000 đồng/ô tô. Được biết, với khoảng gần 500 lượt khách, khi trừ tiền thuê bãi, thuê nhân công, trung bình một ngày chủ bãi giữ xe ở những khu vực trung tâm thu về từ 2 – 4 triệu đồng.
Mức giá giữ xe cao đến chóng mặt nhưng người dân cũng phải bấm bụng chấp nhận. (Ảnh Internet)
Quay lại chuyện hoa ngày Tết, có người lại thích chưng những chậu kiểng đẹp và độc đáo nhưng không có nhiều tiền để mua, thế là họ chọn cách đi thuê. Những cây cảnh được thuê thường là mai, đào… Từ 500.000 đồng là người ta đã có thể chọn cho mình một chậu kiểng ưng ý từ những nơi chuyên trồng, chăm sóc cây cảnh. Chú V.T - chủ một vườn hoa mai cảnh (quận Thủ Đức, TP. HCM) cho biết: “Người thuê là dân địa phương cũng có và ngoại tỉnh cũng có. Chủ yếu là mối quen, họ thường đến đặt cọc từ rất sớm để giữ cho mình những cây mai đẹp. Có những cây phải mất vài triệu để thuê”.
Nhiều người không mua mà đi thuê cây kiểng về trưng Tết. (Ảnh Internet)
Việc dọn nhà để đón Tết cũng rất quan trọng đối với phong tục tập quán của người Việt. Dọn nhà có nghĩa là gột bỏ những điều cũ kĩ, không may mắn của năm cũ để đón một năm mới cùng nhiều điều hanh thông, may mắn. Tuy nhiên, cuối năm là lúc mà công việc bận rộn nhất, nên nhiều gia đình không có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Vì vậy, họ thường thuê dịch vụ dọn nhà theo giờ và mức giá dao động từng 150.000 – 300.000 đồng/giờ, mà đôi khi trả giá cao nhưng vẫn không tìm được người làm. Với những người dọn nhà chuyên nghiệp, một ngày họ có thể dọn từ 3 – 4 ngôi nhà và bỏ túi gần 2 triệu đồng tiền công.
Việc dọn nhà để đón Tết cũng rất quan trọng trong phong tục tập quán của người Việt. (Ảnh Internet)
Đối với những người xa quê, dịp cuối năm là thời điểm họ phải tranh nhau săn lùng vé tàu xe để về quê ăn Tết. Chị M.P (nhân viên ngân hàng ở TP. HCM) chia sẻ: "Năm nào vợ chồng chị cũng phải rất vất vả để tìm vé xe để về quê ăn Tết cùng ông bà. Nhiều lúc đang làm việc mà nghe ai đó báo là nơi nào mở bán vé rồi thì cũng phải bỏ ngang mọi thứ để tranh thủ đặt vé". Chị M.P còn hài hước rằng cái cảm giác này chỉ có người sống xa quê mới được thưởng thức. Nhận ra được nhu cầu cần thiết này, vài năm trở lại đây xuất hiện thêm dịch vụ đặt mua giùm vé máy bay, vé tàu xe ngày Tết. Đây là cơ hội việc làm vào mùa cuối năm cho những bạn sinh viên muốn kiếm tiền chơi Tết với mức thu nhập không hề "bèo".
Vài năm trở lại đây xuất hiện thêm dịch vụ đặt mua dùm vé máy bay, vé tàu xe ngày Tết. (Ảnh Internet)
Ngoài ra, các dịch vụ như sơn sửa nhà cửa, chăm sóc thú cưng cũng đắt như tôm tươi vào dịp cuối năm. Đánh vào nhu cầu và tâm lí chung của người dân trong những ngày giáp Tết, rất nhiều người đã chớp lấy cơ hội “làm giàu không khó” để làm dày chiếc ví với những cách thức thực tế, phù hợp với khả năng và rất linh động.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet