Tôi và chồng cũ lấy nhau 5 năm thì chia tay. Trong suốt 5 năm chung sống ấy, anh ta tỏ là một con người thật kinh khủng: vũ phu, ghen tuông hoang tưởng, bồ bịch rồi có con riêng bên ngoài. Dù đã cố gắng nhẫn nhịn để con có bố nhưng tôi thực sự không thể chịu đựng hơn được nữa nên quyết định ly hôn. Cũng phải mất hơn 1 năm trời với một khoản chi phí kha khá tôi mới có thể bỏ được người chồng đáng ghê tởm đó.
Cứ tưởng cuộc sống của mẹ con tôi từ đây sẽ được bình yên nhưng nào ngờ chồng cũ không buông tha cho tôi. Anh ta thường xuyên uống rượu say rồi đến nhà tôi chửi bới, có khi hết tiền thì lại đến xin tôi tiền. Anh ta còn đến tận cơ quan tôi để phá, không cho tôi đi làm.
Chồng cũ luôn tìm cách quấy phá tôi sau ly hôn. (Ảnh minh họa)
|
Bất cứ người đàn ông nào đến với tôi cũng bị anh chửi bới, đe dọa. Anh ta nói cho dù tôi đã ly hôn anh ta vẫn có quyền với tôi, tôi không được phép đi với người đàn ông nào khác.
Tôi đã nhờ cả pháp luật can thiệp rồi mà anh ta vẫn không sợ, còn thách thức...
Mấy năm nay tôi sống trong khổ sở vì bị chồng cũ theo đuổi, như ma ám vậy. Tôi còn đi tìm cả thầy để giải duyên nợ với chồng cũ mà không có tác dụng.
Tôi phải làm sao đây? Vì anh ta luôn tìm cách phá rối mà tôi không làm ăn được gì cả và tinh thần khủng hoảng trầm trọng.
Mong mọi người cho tôi lời khuyên với. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Cẩm Vân (Hà Nội)
Chuyên gia tư vấn:
Chào chị, chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng, mệt mỏi của chị trong hoàn cảnh hiện nay bởi người chồng cũ luôn tìm cách quấy phá cuộc sống của chị.
Chị đã ly hôn và tưởng rằng mình đã “giải thoát” được khỏi người chồng vũ phu, bạc bẽo đó. Nhưng anh ta vẫn hàng ngày đến phá đám cuộc sống bình yên của mẹ con chị khiến chị bị ức chế, khủng hoảng về tinh thần.
Thực tế vợ chồng chị đã ly hôn rồi. Về mặt pháp lý thì hai người hoàn toàn không có ràng buộc gì ngoài trách nhiệm với con cái. Nhưng có vẻ như chồng chị không nghĩ như vậy, vì thói ích kỷ và ghen tuông, anh ta vẫn không muốn “giải phóng” cho chị và tìm mọi cách để phá đám. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Những gì mà chồng cũ đang ứng xử với chị là vi phạm pháp luật.
Trước hết chị hãy cố gắng mềm dẻo, dùng lý lẽ để nói chuyện với anh ta. Anh ta đã làm chồng, làm cha mà thể hiện như vậy thật không đáng mặt làm bố. Lẽ ra anh ta phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con khi hai vợ chồng ly hôn và con ở với mẹ. Đằng này anh ta lại mượn rượu để đến “đòi” tiền chị. Một mình chị đi làm nuôi con đã rất vất vả, khó khăn, anh ta không biết cảm thông lại còn phá rối chị ở tận cơ quan, không cho chị đi làm thì chị lấy tiền đâu nuôi con, nên cũng không thể có tiền đưa cho anh ta.
Chị hãy yêu cầu anh ta không được phép đến nhà nếu chị không đồng ý. Chị cũng không nên tiếp tục đưa tiền hoặc tài sản cho anh ta.
Chị cũng không nên ra ngoài một mình nếu anh ta đe dọa chặn đường chị, khi có việc cần kíp chị có thể rủ thêm người đi cùng hoặc báo cho gia đình biết chị không được an toàn.
Việc vợ chồng ly hôn, đường ai nấy đi đã không còn can hệ gì với nhau nữa thì chuyện anh ta có người yêu mới hay chuyện chị có những người đàn ông khác theo đuổi cũng là chuyện bình thường, không can hệ gì đến đối phương. Vì vậy chị hãy yêu cầu anh ta tôn trọng cuộc sống riêng của chị, ai cũng có quyền tìm hạnh phúc cho riêng mình. Khi cuộc hôn nhân với anh ta đổ vỡ không có nghĩa là chị không được đi tìm hạnh phúc mới.
Việc anh ấy tiếp tục những hành động như vậy sẽ làm tổn thương đến tinh thần của chị và con chị. Anh ta nếu không muốn nghĩ cho chị thì cũng phải nghĩ cho đứa con máu mủ của mình.
Nếu anh ta tiếp tục đe dọa, ép buộc, đánh đập chị, chị nên báo cho chính quyền, người thân để có biện pháp xử lý. Chị hãy huy động sự giúp đỡ của mọi người xung quanh để hỗ trợ. Chị cũng có thể làm đơn trình bày, tìm sự giúp đỡ từ hội phụ nữ, tổ dân phố tại nơi mình cư trú.
Những hành động có tính bạo lực, gây rối của anh ta với chị, chị hãy quay lại để làm bằng chứng tố cáo anh ta trước các cơ quan chức năng.
Nếu chị kiên quyết đứng lên đấu tranh, anh ta có thể sẽ bị pháp luật xử lý thậm chí gia đình và công việc của anh ta cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì vậy chị đừng nên sợ hãi và lo lắng quá.
Nếu cảm thấy hai mẹ con chị ở đó nguy hiểm thì chị nên tạm lánh đi một thời gian, chuyển đến nơi khác ở như nhà bố mẹ đẻ, anh chị em để bảo đảm sự an toàn cho hai mẹ con.
Chị hãy mạnh mẽ lên để bảo vệ cho con và bảo vệ hạnh phúc cho chính mình.
Chúc chị vững vàng lên nhé!
Chuyên gia Tâm lý
Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình, cho biết: Nếu người chồng có hành vi đe dọa giết người, khủng bố người vợ; có hành vi đánh đập, gây thương tích cho người vợ hoặc có hành vi ngược đãi, hành hạ người vợ; có hành vi xâm hại sức khỏe đối với các thành viên gia đình và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình thì tùy tính chất hành vi, mục đích, mức độ nguy hiểm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của tội ngược đãi (điều 151 Bộ luật Hình sự), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 104), tội đe dọa giết người (điều 103 Bộ luật Hình sự). |
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet