6 năm nay, kể từ khi lấy chồng sang Hàn sinh sống, mỗi ngày Tết đến xuân về chị Nguyễn Dịu (26 tuổi, Hải Phòng) luôn cố gắng dọn dẹp nhà cửa gọn gàng theo đúng phong tục Việt để năm mới rước lộc vào nhà.
Chị Dịu hiện đang sinh sống ở Hàn Quốc.
Chị Dịu cho biết, ở Việt Nam, gần một tháng trước Tết, không khí đã rộn ràng khắp mọi nơi, người người tấp nập mua mai, mua đào và đi sắp Tết. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, kể cả những ngày Tết mọi thứ vẫn diễn ra bình thường và đơn giản.
Chị còn nhớ cái Tết đầu tiên của mình ở nhà chồng khá hụt hẫng và nhớ cái Tết Việt bởi ở bên đây họ không coi trọng và cầu kỳ chuẩn bị Tết như ở Việt Nam. Tất cả mọi thứ cứ diễn ra bình thường như mọi ngày. Sáng mùng 1, mọi người nấu canh bánh gạo ăn bởi họ quan niệm đầu năm mới ăn bánh gạo người sẽ khỏe mạnh, dẻo dai, no ấm như chính cái tên của nó. Kèm theo đó là một số món rán. Chính những sự khác biệt đó khiến chị nhớ da diết cái Tết ở quê hương.
“Tết Hàn Quốc không khí buồn ảm đạm và mọi thứ vẫn như ngày thường. Họ không tha thiết mấy bởi họ quan niệm một năm làm vất vả rồi, Tết là để nghỉ ngơi, để đi chơi, du lịch. Không như ở Việt Nam, Tết đến mọi người sum vầy, vui vẻ đi chúc Tết, ai cũng hào hứng sắm sửa dọn nhà đón Tết”, chị Dịu chia sẻ.
Không gian phòng khách nhà chị được dọn dẹp gọn gàng.
Thông thường Tết ở nhà chồng chị không trang trí gì nhưng kể từ ngày về làm dâu bên đây, mỗi khi Tết đến chị lại cố gắng dọn dẹp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ nhà cửa giống như phong tục ở Việt Nam dọn nhà trước Tết.
Vì làm dâu mọi thứ phải theo nhà chồng, không thể mua mai, mua đào bày biện Tết, chỉ dọn dẹp nhà cửa, thiếu thứ gì mua thứ ấy nên chị cũng không tốn kém nhiều chi phí.
“Khó khăn lớn nhất của mình khi trang trí dọn dẹp nhà chung cư là mọi thứ được làm sẵn không được tự đóng hoặc chọn các thiết kế riêng. Nếu muốn thiết kế riêng phải tốn rất nhiều tiền sửa lại nên mình phải cố tìm vật dụng trang trí phù hợp với không gian, an toàn với trẻ nhỏ.
Có lẽ dọn dẹp căn bếp là khó nhất vì nhiều thứ mình không dùng trong khi cần chỗ để thứ khác nên mình bắt buộc tháo và thay chúng”, chị Dịu chia sẻ khó khăn khi dọn dẹp lại nhà.
Không gian phòng ngủ của các con chị.
Không gian phòng bếp.
Trong nhà có nhiều sách và nhiều đồ chơi của con, khi dọn dẹp chị phải phân chia, sắp xếp sách theo từng nội dung, đồ chơi sắp theo từng loại, phân chia theo mục đích giống nhau để dễ tìm, không phải mệt.
“Sách khoa học, sách sinh học, sách vật lý, truyện tranh,...mình để cùng 1 kệ. Đồ chơi ghép hình, gỗ, lắp ráp, đồ nấu ăn, mình để riêng mỗi loại 1 thùng. Khi chơi con chỉ cần bê thùng ấy ra, không cần phải tìm. Chơi xong con sẽ dọn thùng ấy vào. Điều đó giúp mình vừa rèn tính ngăn lắp và tự lập dọn dẹp cho con”, chị Dịu chia sẻ bí quyết sắp xếp đồ đạc, dọn nhà của mình.
Căn bếp nhỏ được chị lau chùi tinh tươm đón Tết.
Sau khoảng thời gian dọn dẹp nhà vất vả, chị Dịu thích nhất là ngắm không gian bếp và phòng ngủ của con. Đó cũng là 2 không gian chị được mọi người khen nhiều nhất. Chiếc bếp nhỏ gọn, ấm cúng, chiếc phòng ngủ "đa-zi-năng" vừa có thể làm thư viện đọc sách vừa làm phòng vẽ tranh để con thể hiện khả năng của mình.
Mỗi lần ngồi ngắm không gian các phòng gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ khiến chị được thư thái, quên đi mệt mỏi và có được cảm giác Tết quê hương đang đến thật gần.
Mọi đồ đạc dễ tìm, dễ lấy.
Phòng đồ chơi của con chị được phân chia rõ ràng.
Phòng tắm mọi thứ được xếp ngăn nắp.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet