Theo một nghiên cứu vừa được đăng tải ngày 17/4/2018 trên tờ Nature Communications, một sao băng có kích thước khoảng 4m nổ tung ở độ cao 37km trên bầu trời Sudan vào năm 2008 đã đem lại bằng chứng cho thấy một hành tinh của hệ Mặt Trời đã bị phá hủy. Hành tinh này có thể có kích thước nằm giữa sao Thủy đến Sao Hỏa.
Viên đá màu đen này thực ra là một mảnh vỡ của sao băng.Các nhà khoa học đã thu thập các mảnh vỡ của sao băng vào một bộ sưu tập đặt tên là Almahata Sitta (tiếng Ả Rập có nghĩa là Trạm 6), theo tên một trạm xe lửa gần nơi sao băng này rơi xuống. Trong những mảnh vỡ của sao băng này, các nhà khoa học tìm thấy những vật chất thường có trong kim cương trên trái đất, bao gồm các hợp chất của chrome, phốt pho và sulfit của kẽm-sắt.
Ban đầu, họ không hiểu được nguồn gốc của các hạt kim cương này, bởi theo nhiều lý thuyết, chúng có thể được tạo nên từ áp suất cao trong lòng trái đất, từ sự bốc hơi của hóa chất mang theo tạp chất (sử dụng để chế tạo kim cương nhân tạo) hay những vụ va chạm mạnh tạo ra áp suất cao.
Dưới kính hiển vi electron, phần màu xanh dương chính là những viên kim cương siêu nhỏ.Tuy nhiên, theo những nghiên cứu được thực hiện, những hạt kim cương bên trong sao băng chỉ có thể được tạo ra dưới áp suất khoảng 20 gigapascal – khoảng 2 tấn trên một mm vuông. Mức độ áp suất này chỉ có thể được giải thích nếu nó được tạo ra trong một phôi thai của một hành tinh có kích thước từ sao Thủy đến sao Hỏa, theo lời của các nhà nghiên cứu thuộc Trường bách khoa kỹ thuật Lausane, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, phôi thai này có thể đã bị phá hủy do những va chạm khủng khiếp trong quá khứ.
Đây là lần đầu tiên những thành phần của kim cương được tìm thấy trong một vật thể ngoài trái đất, và đem lại thêm thông tin về “tuổi thơ” của hệ mặt trời vào khoảng 4,4 tỉ năm trước, khi khu vực bao quanh mặt trời có một vài “phôi thai” của các hành tinh. Đa số chúng phát triển thành những hành tinh chúng ta thấy ngày nay, trong khi số khác bị Mặt Trời nuốt chửng hoặc bị ném vào không gian giữa các vì sao.
Cận cảnh vẻ đẹp của sao Mộc từ chuyến thăm dò tỷ đô của NASA
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet