Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay, xã đảo Cam Bình được nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế biết đến với loại hình du lịch home stay (du lịch xanh, du lịch cộng đồng) và khám phá sinh thái biển đảo. Nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nhưng đến nay, Cam Bình vẫn chưa có dự án du lịch nào được đầu tư.
Lo du lịch, quên môi trường
Ở Cam Bình, Bình Ba là đảo lớn nhất - diện tích khoảng 3 km2 với hơn 3.000 dân sinh sống. Bình Ba nổi tiếng với bãi biển đẹp, nước trong xanh, những bè nuôi thủy sản san sát tạo nên khu ẩm thực tuyệt vời. Song, việc phát triển du lịch tự phát ở đây đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trước hết là ô nhiễm môi trường.
Rác, nước thải xả thẳng xuống các dòng kênh chảy ra biển
ở đảo Cam Bình, tỉnh Khánh Hòa- Ảnh: Sa Vĩ
Nằm ở phía Nam vịnh Cam Ranh và cách biệt với đất liền, những năm gần đây, việc phát triển ngành du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đã mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho xã đảo Cam Bình. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Cam Bình là niềm mơ ước của nhiều địa phương với mức 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn vì tình trạng xả rác thải vô tội vạ của cư dân dịa phương lẫn du khách.
Đến Bình Ba nếu gặp lúc thủy triều xuống, hình ảnh “ấn tượng” đầu tiên đập vào mắt du khách là những dòng nước đen kịt chạy ven các con đường bê-tông dọc ngang trên đảo. Ngay khu vực bến cảng, rác thải tấp vào bờ thành từng bãi lớn. Tại khu vực cảng cá, nhiều người dân sau khi phân loại hải sản để làm thức ăn cho tôm hùm đã xả thẳng nước thải xuống biển, mùi hôi thối xông lên nồng nặc.
Hơn 10 ki-ốt bán hàng mới được người dân xây dựng, kinh doanh ăn uống, giải khát dành cho du khách trên đảo lại không có nhà vệ sinh. Vì vậy, khi có nhu cầu, du khách sẽ được các chủ ki-ốt chỉ thẳng ra bờ biển để… “trút bầu tâm sự”. Anh Nguyễn Văn Tâm, một du khách đến từ TP HCM, băn khoăn: “Bình Ba là hòn đảo đẹp, hải sản cũng rất ngon. Chính vì vậy mà hễ có dịp là gia đình tôi thường đến đây du ngoạn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa có nên rất bất tiện”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, ngoài việc phát sinh rác từ các hộ dân, xã đảo này còn đối mặt với rác thải từ hoạt động du lịch, dịch vụ, các hộ nuôi hải sản gần bờ… Thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương cho thấy mỗi ngày, lượng rác sinh hoạt từ các hộ dân và du khách cùng với rác từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 1 tấn. Lượng rác lớn này khiến bãi chôn lấp, xử lý của xã Cam Bình luôn quá tải.
Lúng túng xử lý
“Để phát triển du lịch bền vững, việc bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết. Do vậy, chính quyền địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền ý thức cho người dân và du khách, cũng như xây dựng phương án xử lý rác thải” - ông Nguyễn Văn Thành nhìn nhận.
Theo lãnh đạo xã Cam Bình, dù phần lớn rác thải đã được thu gom, đưa về nơi tập kết để đốt hoặc chôn lấp nhưng lại không có hóa chất xử lý. Việc này đã gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Trong khi đó, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân trên đảo đều phải dựa vào nước giếng. UBND xã cũng đã xây dựng hầm rút để xử lý nước thải từ việc chế biến, phân loại thức ăn cho tôm cá nhưng khi thủy triều lên, nước từ những hầm này lại tràn ra biển. Vì thế, việc xây dựng hầm rút không phát huy được tác dụng.
Để đối phó với những nguy cơ trước mắt về môi trường, theo ông Nguyễn Hữu Thông, Cam Bình cần quy hoạch khu chôn lấp và tiếp tục đốt rác. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP Cam Ranh xem xét quy trình xử lý bãi rác thải cũng như quy hoạch bãi chôn lấp đúng tiêu chuẩn. Hiện nay, việc xử lý rác hết sức thô sơ, thiếu khoa học” - ông Thông nhận xét.
Ông Thông cho rằng nếu không có những phương án bảo vệ môi trường, trong tương lai không xa, đảo du lịch này sẽ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. “Chúng tôi đang tính đến các giải pháp khắc phục ô nhiễm để Cam Bình phát triển bền vững” - ông Thông nói.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet