Chiều 23/4, bà Lê Thị Ái Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh bạc liêu cho biết trên 350 nghệ nhân sẽ tham dự festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất diễn ra ngày 24-29/4. Những nghệ nhân đến từ 21 tỉnh, thành phố ở Đông, Tây Nam bộ được bố trí trong 21 không gian đờn ca tài tử hình chiếc nón lá khổng lồ nằm dọc theo Hồ Nam, TP Bạc Liêu.
Dọc theo Hồ Nam, TP Bạc Liêu có 21 không gian đờn ca tài tử dành cho 21 câu lạc bộ với hàng trăm nghệ nhân tham gia. Ảnh: Ái Nam |
Trong thời gian diễn ra Festival, ngoài việc giao lưu với du khách, các nghệ nhân của từng tỉnh, thành còn có điều kiện giao lưu, trao đổi với nhau về nghệ thuật chuyên môn. Kết thúc lễ hội, 21 nhóm nghệ nhân lần lượt đến các huyện trong tỉnh Bạc Liêu để giao lưu với người dân vốn yêu quý đờn ca tài tử nhưng không có điều kiện lên thành phố trong những ngày diễn ra lễ hội.
Với chủ đề "Tình người, tình đất phương Nam", Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên này gồm chuỗi 21 sự kiện góp phần tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam Bộ. Lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử, triển lãm nhạc cụ dân tộc, khánh thành dự án mở rộng khu lưu niệm đờn ca tài tử và nhạc sĩ Văn Cao Lầu, thi chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang…
Nhà hát Cao Văn Lầu cùng Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có hình dạng 3 chiếc nón lá hướng mái vào nhau. Công trình vừa hoàn thành này là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Festival Đờn ca tài tử. Ảnh: Ái Nam. |
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, khó có nghệ nhân đờn ca tài tử nào sống được với nghề này. Vì vậy, tại Festival, Ban tổ chức cho ra mắt Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Quỹ này sẽ quan tâm giúp đỡ những nghệ nhân, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn nhưng tâm huyết với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ, là sự kết hợp hòa quyện đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc. Ban nhạc của đờn ca tài tử gồm có bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Tuy nhiên, sau này, biên chế ban nhạc có sự thay đổi và có thể thêm các loại nhạc cụ khác như guitar phím lõm hay thậm chí là violon.
Đờn kìm cao 18,6 m tại quảng trường Hùng Vương là biểu tượng văn hóa lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Ái Nam. |
Hơn 3 năm trước, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND TP HCM, Viện Âm nhạc Việt Nam và 21 tỉnh, thành phố kiểm kê, lập hồ sơ "Đờn ca tài tử Nam bộ Việt Nam" trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2012 Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao, Du lịch quyết định đưa Đờn ca tài tử vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Cuối năm 2013, UNESCO vinh danh loại hình nghệ thuật này của Việt Nam trong danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ái Nam
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet