Kẻ thử nghiệm, người ăn bền
Trong giới làm hàng tết “độc”, lạ ở TP. Hồ Chí Minh, nông trang Cánh đồng hoa chỉ được xem là hạng “chân ướt, chân ráo” vì mới thành lập vài tháng nay, nhưng thời điểm này đã thấy trong nông trang xuất hiện những chậu cây picino mang lủng lẳng những trái trắng ngà nhỏ như quả trứng gà ta. Anh Lê Văn Phước - quản lý nông trang cho biết, cây picino vừa được nhập về từ Nam Mỹ, là loại cây lấy trái ăn tráng miệng trong những buổi tiệc quan trọng, nhưng thấy một số khách hàng muốn mua cây picino chơi tết nên nông trang nhập về thử nghiệm. Ngoài cây picino, nông trang còn có tham vọng đưa nhiều loại hoa hồng nhập khẩu về đáp ứng nhu cầu thị trường chơi hoa tết năm nay. Anh Phước cho biết mỗi cây hoa hồng ngoại có giá 1,2 triệu đồng, còn picino giá 400.000 đồng/chậu.
Nghệ nhân Hai Phượng (xã Hưng Long, Bình Chánh) và tác phẩm nghệ thuật hoa sứ Medium vừa nhập từ Thái Lan. Ảnh: T.Đ
Nếu như nông trang Cánh đồng hoa đang dò dẫm những bước đi thử nghiệm, thì trang trại hoa sứ Ba Đô của ông Hai Phượng (Trương Văn Phượng, xã Hưng Long, Bình Chánh) lại ăn bền nhờ phân khúc chơi hàng “độc” từ nhiều năm nay.
Để chuẩn bị cung ứng thị trường tết những sản phẩm độc đáo, lạ mắt, nhiều tháng trước Nghệ nhân Hai Phượng đã đưa một số giống hoa sứ từ Thái Lan về như kim lân, hồng phấn… Đây là những giống hoa sứ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và ông Hai Phượng đã nhân giống thành công. Hiện, trong vườn nhà ông đang có hơn 1.000 chậu hoa sứ, trong đó 30 - 40% số chậu bán vào dịp tết.
“Độc” là thắng
Dạo một vòng các nông trang làm hàng tết “độc”, lạ ở Sài Gòn, có thể rút ra kết luận: Muốn thành công với thị trường tết cần phải sản xuất hàng “độc”, lạ.
Ông Nguyễn Thành Đại (quận 12) - một người nổi tiếng trồng các loại cây siêu trái ở thành phố cho biết, không cần phải tới dịp tết, ngày thường các loại cây siêu trái được trồng trong chậu của ông cũng không đủ bán. “Chưa nói đến chuyện chất lượng, hình dáng độc, lạ của hoa, trái đã cuốn hút người sành chơi” - ông Đại khẳng định.
Còn theo ông Hai Phượng, để có sản phẩm thu hút khách, ngoài việc phải có giống lạ, thì phải làm cho hàng “độc”. Điều này đòi hỏi người trồng hoa không chỉ am hiểu về kỹ thuật mà còn phải có đôi tay khéo léo và khả năng sáng tạo để tạo ra những hình dạng khác nhau của hoa. Cũng vì thế mà từ sáng sớm, vợ chồng nghệ nhân Hai Phượng phải thay nhau tưới nước, bón phân, cắt tỉa, ghép cành… mãi đến tối vẫn chưa hết việc.
Ông Nguyễn Văn Tủi - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân TP.HCM) cho biết, xu hướng nông dân thành phố sản xuất hàng độc, lạ phục vụ thị trường tết đã có nhiều năm nay. “Thực tế cho thấy, những nông dân tham gia phân khúc này chưa ai thua cả. Phần lớn đó là những nghệ nhân hoặc người làm hoa kiểng lâu năm. Họ rất sáng tạo, nhạy bén với nhu cầu thị trường, thậm chí họ còn định hướng cho người chơi với dòng hoa, kiểng độc đáo này” - ông Tủi nói.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet