Với người Việt Nam, cân nặng của trẻ dường như đã trở thành mục tiêu phấn đấu trong suốt thời kỳ nuôi con nhỏ. Bởi vậy, không khó để nhận ra, khi hỏi thăm những đứa trẻ của nhau, các bà mẹ luôn bắt đầu bằng những câu có tính chất khám phá về trọng lượng. Và sự thật là, nếu bé có chút ít nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn, nhiều người sẽ có cảm giác đó là một tội lỗi. Chính vì thế, sưu tầm những thực đơn giàu dinh dưỡng để tẩm bổ cho con đã và đang là xu thế nuôi con mà nhiều người áp dụng.
Bàn về vấn đề này, chị Nguyễn Thu Hiền (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày mang thai cu Tin, mình tăng đến 25kg, nhưng đẻ con chỉ nặng 2,8kg. Mình thì béo tốt phương phi còn con thì như con nhái bén. Đi đâu mọi người cũng hỏi cân nặng làm mình xấu hổ như có cảm giác ăn hết phần của bé. Mẹ chồng mình cũng ý kiến không hiểu mình chăm con kiểu gì mà để nó bé xíu thế. Có thời gian, mình bị stress nặng, đến lúc ngủ cũng ám ảnh vì vấn đề này. Vậy là mình quyết định làm một cuộc khởi nghĩa, tập trung toàn lực vực dậy cân nặng của con. Nhớ lúc đó, có bao nhiêu tiền chỉ một hai nghĩ đến chuyện mua đồ tẩm bổ cho con, có bao nhiêu thời gian chỉ nghĩ đến việc sưu tầm và chế biến các món ăn. Lúc đầu bị ép ăn, cu cậu chống cự ác lắm, bữa ăn nào nhà cũng đầy đủ tiếng khóc, tiếng cười, tiếng dọa nạt, quát tháo. Giờ vẫn vậy, nhưng cu cậu biết thân, biết phận hơn, chỉ ấm ức thôi chứ vẫn ăn hết tiêu chuẩn. Béo một chút còn hơn là còi cọc. Mà béo thì mới có sức mà học sau này”.
Trăm bệnh đổ đầu
Thực tế, đa số các mẹ đều cho rằng: ép con ăn nhiều đồ dinh dưỡng là để tăng cường thể lực, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn về cả thể chất lẫn tinh thần, tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây lại là một việc làm nguy hiểm. Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Thêm vào đó, nếu tình trạng này kéo dài thì trẻ em sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, sỏi thận, bệnh gout và nhiều bệnh khác khi trưởng thành.
Ép con ăn nhiều dẫn tới thừa chất gây ra tình trạng béo phì |
Không chỉ vậy, đồ nhiều dinh dưỡng cũng được khẳng định là nguyên nhân gây ra các vấn đề về răng miệng. Một khảo sát ở Mỹ cho thất, có đến 79,6% trẻ em từ 7-9 tuổi ở thành thị mắc các bệnh về răng, trong đó nguyên nhân chính là thường xuyên ăn các thực phẩm giàu protein và chứa năng lượng cao. Hơn nữa, với tâm lý càng cho con ăn nhiều bữa càng tốt, các mẹ đã làm thay đổi độ acid/kiềm của nước miếng và ảnh hưởng tới sự sâu răng.
Cho con ăn thành nhiều bữa cũng là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh răng miệng |
Ngoài những căn bệnh phổ biến trên, thường xuyên sử dụng thức ăn giàu dinh dưỡng sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ dậy thì sớm. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng thừa dinh dưỡng chính là nguyên nhân làm tăng hàm lượng hormone của cơ thể, khiến trẻ đối mặt với nguy cơ kém phát triển về chiều cao. Ngoài ra, do chưa trưởng thành về tâm lý, sự phát triển sớm của cơ thể sẽ khiến trẻ có những mặc cảm so với bạn bè cùng trang lứa, dẫn tới thiếu tự tin trong học tập và cuộc sống.
Không phải đồ dinh dưỡng nào cũng bổ
Một sai lầm nữa mà các mẹ vẫn mắc phải, đó là cứ nghĩ đồ tốt cho mẹ cũng sẽ tốt cho con. Thế nhưng, sự thực thì không phải vậy. Cho trẻ ăn sữa ong chúa để tẩm bổ là một ví dụ điển hình.
Sữa ong chúa giúp cân bằng hoóc-môn nữ, tăng cường sinh lý nam và chữa bệnh hiếm muộn ở nam giới, tăng khả năng sinh lý (sex), hạ huyết áp… Chính vì thế, trẻ nhỏ dùng sữa ong chúa sẽ dẫn tới dậy thì sớm. Do đó, nếu bạn đang có ý định cho bé dùng thực phẩm này, bạn cần có ý kiến tư vấn của chuyên gia.
Không phải thực phẩm dinh dưỡng nào cũng có thể dùng cho trẻ em |
Tương tự như vậy, nhung hươu, nhung nai, hay nhân sâm cũng không thể dùng bừa. Theo y học cổ truyền, nhung hươu nai tuy bổ nhưng lại không được dùng cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ mình gầy, nóng trong người, thiếu máu, viêm phế quản hay đang mắc các bệnh truyền nhiễm.
Riêng nhân sâm lại tuyệt đối không được dùng với những trẻ em đang bị lao, hen phế quản, ho ra máu hoặc trẻ dưới 13 tuổi. Bởi lẽ, đông y cho rằng: trẻ nhỏ cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, việc lạm dụng nhân sâm có thể khiến cơ thể 'lười', không tiết ra các kháng thể bảo vệ, hết sâm sẽ sinh ra bệnh. Hơn nữa, sử dụng nhân sâm bừa bãi, kéo dài sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ, làm trẻ không phát triển cân nặng, chiều cao. Đã có nhiều trường hợp cha mẹ phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ chỉ vì tùy tiện cho trẻ uống nhân sâm, gây tác dụng ngược cho trẻ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet