Áp lực từ các chính phủ trên toàn thế giới yêu cầu Google cung cấp thông tin của người sử dụng trong các vụ điều tra tội phạm ngày càng gia tăng bất chấp việc các chương trình thu thập thông tin đã bị đưa ra ánh sáng.
Theo báo cáo minh bạch công bố nửa năm một lần của tập đoàn công nghệ này, số lượng các yêu cầu về thông tin của các chính phủ đã tăng 15% trong nửa đầu năm 2014 và đã gấp 1,5 lần so với 5 năm trước. Báo cáo ngày 15/9 của Google cho biết trong nửa cuối năm 2013, tập đoàn này đã nhận được 31.698 yêu cầu thông tin từ các chính phủ, liên quan đến 48.000 tài khoản và đã đáp ứng thông tin cho khoảng 65% số yêu cầu.
Theo Google, trong số các chính phủ, Mỹ là quốc gia có nhiều yêu cầu dạng này nhất với 12.539 lệnh, theo sau là Đức (3.338) và Pháp (3.002). Con số này ở Mỹ đã tăng 19% trong vòng 6 tháng đầu năm 2014 và đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2009, khi hãng này bắt đầu công bố báo cáo. Với Mỹ, báo cáo trên thống kê các yêu cầu thông tin từ các cơ quan thực thi pháp luật cũng như lệnh của tòa án, song không bao gồm các số liệu chi tiết về các yêu cầu thông tin liên quan đến an ninh quốc gia của Tòa án giám sát do thám nước ngoài hay Cục điều tra liên bang (FBI).
Sau tiết lộ động trời của cựu nhân viên kỹ thuật của cựu nhân viên nhà thầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden về chương trình thu thập thông tin do các cơ quan tình báo Mỹ tiến hành, các đại gia thông tin như Google hay Yahoo đã tìm cách công bố cho công chúng các tài liệu tòa án về sức ép của chính quyền Washington đối với việc cung cấp thông tin cũng như những hoạt động phản đối của các hãng.
Vụ bê bối do thám "đình đám" trên đã phơi bày toàn bộ sự thật về các hoạt động do thám trên diện rộng của các cơ quan tình báo Mỹ. Theo đó, NSA bị cáo buộc thu thập hàng triệu cuộc điện thoại, thư điện tử và dữ liệu mạng của tất cả các công dân Mỹ, đồng thời nghe lén nhiều nguyên thủ quốc gia kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ.
Tiết lộ động trời của Snowden đã gây tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Mỹ cả ở trong và ngoài nước, buộc các cơ quan lập pháp nước này phải nhanh chóng cải cách phương thức thu thập thông tin tình báo theo hướng không xâm phạm quyền riêng tư của công dân Mỹ trong khi vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia. Snowden trở thành "kẻ tội đồ" của nước Mỹ, đã phải trốn sang Nga và được Moskva cấp quy chế tỵ nạn có thời hạn./.
theo vnplus.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet