Chiều 13.4, các bạn sinh viên là thành viên của 5 đội thi được chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Cuộc đua số” đã có buổi gặp gỡ các nhà lãnh đạo nổi tiếng trong giới công nghệ Việt Nam. Trong đó có ông Trần Hải Linh - CEO trẻ tuổi nhất tại FPT, bà Phạm Trang Phương Dung - Giám đốc Vận hành Uber Việt Nam cùng nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực internet, công nghệ và quản lý nhân sự.
Với chủ đề xuyên suốt cuộc thi “Cuộc đua số” là xe không người lái, các chuyên gia đã dành nhiều thời gian đánh giá sự phát triển của lĩnh vực xe không người lái (hay còn gọi là xe tự hành) trên thế giới cũng như nhận định về xu hướng này tại Việt Nam.
Mẫu xe không người lái (kích thước bằng 1/10 kích thuớc thật) đã được FPT gửi tới các nhóm sinh viên trong cuộc thi "Cuộc đua số".
Tại buổi gặp, bà Phạm Trang Phương Dung - Giám đốc Vận hành Uber Việt Nam cho biết, trong dịp sang Mỹ công tác cách đây 3 tuần, bà đã tận mắt nhìn thấy khoảng 10 chiếc xe không người lái do Uber phối hợp cùng các đối tác thực hiện. Những chiếc xe này được tích hợp những công nghệ hiện đại, bao gồm hệ thống laser, cảm ứng và camera làm “mắt thần” khi di chuyển.
Theo bà Dung, hầu hết những chiếc xe không người lái tại Mỹ hiện đang được thử nghiệm trên đường cao tốc, bởi đường cao tốc ít người, không có đường vòng và không có các trường hợp xe băng ngang đột ngột,...
Bà Phạm Trang Phương Dung, Giám đốc Vận hành Uber Việt Nam.
“Máy tính trong xe không người lái phải có khả năng xử lý rất nhanh, được tối ưu thuật toán để khi có xe khác vụt qua là tính được ngay hướng di chuyển. Theo tôi dự đoán, xe không người lái ở Mỹ sẽ chưa được thương mại hóa ít nhất trong 10 năm nữa, và để người dùng bỏ tiền ra mua càng khó hơn”, bà Dung nói.
“Mặc dù xe không người lái giúp giảm tỉ lệ tai nạn giao thông hay giảm tắt đường - tức là tốt cho xã hội, nhưng xe không người lái rất đắt - khoảng 500.000 USD là chi phí để sản xuất một chiếc xe không người lái”, bà Dung nói thêm.
Khi được hỏi nhận định về tương lai của xe không người lái tại Việt Nam, bà Dung cho rằng: “Tôi nghĩ việc đưa xe không người lái về Việt Nam hơi khó. Người bình thường lái xe trên đường phố Việt Nam đã khó, giờ gặp máy lái thì càng khó hơn. Tôi thấy nhiều người đi xe máy mà thậm chí cả người đi xe hơi ở Việt Nam chưa tuân thủ tốt luật lệ giao thông”.
Xe không người lái của Uber đang chạy thử nghiệm trên đường phố ở Mỹ.
Theo bà Dung, ngay cả ở Mỹ, câu hỏi ai sẽ giúp Tesla, Google hay Uber thương mại hóa những chiếc xe tự hành đã khó trả lời, thì tương lai của xe không người lái tại Việt Nam càng mịt mù hơn. “Xe thường đã đắt rồi, chưa biết xe không người lái (nếu có) ở Việt Nam sẽ đắt đến mức nào? Với lại đường xá ở Việt Nam tương đối phức tạp”, bà Dung nêu những lý do mà bà cho là xe không người lái khó được triển khai tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Trần Hải Linh - người được biết đến là CEO trẻ tuổi nhất tại FPT tỏ ra có niềm tin và đặt nhiều hi vọng hơn: “Khoảng cách về mặt công nghệ giữa Việt Nam và các nước như Mỹ không xa, nhưng cái khó là khó về mặt hạ tầng, pháp lý và hành vi - các mặt này không thuộc về công nghệ mà là vấn đề xã hội. Biết đâu ở Mỹ cần 10 năm để thương mại hóa xe không người lái thì Việt Nam chỉ cần 12 năm không chừng”.
Cũng nêu nhận định về xe tự hành, chuyên gia công nghệ Lê Trọng Đức nói: “Lĩnh vực xe tự hành đang được Uber, Tesla và Google phát triển. Hi vọng sự hỗ trợ của các đơn vị đồng hành sẽ mang tới trải nghiệm mới cho các bạn sinh viên trong lĩnh vực Internet of Things”.
Mặc dù chưa có xác nhận chính thức, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy một công ty công nghệ tại Việt Nam đang muốn gia nhập...
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet