Trong xu thế toàn cầu kinh doanh trên các mạng truyền thông xã hội, Facebook với nhiều lợi thế luôn là nơi chào mời, mua bán rôm rả nhất. Đây chính là mảnh đất lập nghiệp cho nhiều người khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những bức tranh khởi nghiệp hoành tráng thì đâu đó vẫn có những doanh nghiệp đang khổ sở vì mạng xã hội này.
Dễ chết vì xa rời đám đông
Hoạt động kinh doanh nói chung trên Facebook có hai dạng chính: quảng cáo thương hiệu trên Facebook (phải trả tiền cho mạng xã hội này) và chào bán hàng. Thực tế kinh doanh trên các mạng xã hội như Facebook là một con dao hai lưỡi. Với hình thức bán hàng thì chỉ cần không khéo cư xử hay tệ nhất là bị đối thủ cạnh tranh tìm cách chơi xấu, bạn có thể bị hứng những trận mưa lời bình phẩm (comment) tiêu cực trong bán hàng.
Còn về thương hiệu thì ngay cả những ông lớn sừng sỏ trong kinh doanh cũng từng chuốc phải thất bại. David Clarke, một chuyên gia tư vấn kinh doanh của Digital Services, Giám đốc Experience Center của Tập đoàn PwC, đã lấy hai công ty Tesla Motors và Netflix ra làm thí dụ cho những doanh nghiệp nổi tiếng lại bị thất bại khi tiếp thị trên Facebook.
Tesla Motors nổi tiếng với những dòng xe hơi không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là dòng xe hơi chạy điện Model S. Và cũng như các hãng xe khác, Tesla đã lập trang fanpage chính thức của mình trên Facebook. Ngặt nỗi, Tesla lại quá ngây thơ, chỉ biết dựa vào những phản hồi của người chơi Facebook trên trang nhà này mà không chịu dùng nhiều chiêu trò thu hút người dùng đến với trang fanpage của mình. Hậu quả là vào năm 2012, trang Facebook của Tesla chỉ có gần 66.000 người Like và hơn 1.700 người nói tới; trong khi của Audi là gần bốn triệu người Like và hơn 56.000 người nói tới; còn của BMW được tới gần 6,8 triệu người Like và hơn 70.000 người nói tới.
Mạng xã hội có lúc là bạn nhưng đôi lúc cũng là kẻ thù của doanh nghiệp. Ảnh: INTERNET
Cũng vào năm 2012, dịch vụ xem phim online Netflix đã nếm mùi bị “ném đá” trên Facebook. Khi Netflix công bố quyết định tăng giá và thay đổi dịch vụ, nhiều khách hàng đã nổi giận. Nghĩ rằng có thể xoa dịu họ, Netflix đã đưa lên trang Facebook của mình lời cảm ơn các khán giả về sự phản hồi của họ. Nhưng giống như được châm ngòi nổ, ngay trong ngày hôm đó, các khách hàng Netflix đã “bắn” lên fanpage của dịch vụ này hơn 11.000 lời comment hừng hực lửa tiến công. Chuyên gia Clarke nói rằng lẽ ra một doanh nghiệp dịch vụ Internet như Netflix phải hiểu rõ đặc thù của cộng đồng mạng, nhất là khi họ cảm thấy bị thiệt hại quyền lợi. Mãi tới hơn năm tháng sau đó mà Netflix cũng chưa phục hồi nổi.
Cần kỹ năng và am hiểu cộng đồng
Nhóm chuyên gia về tiếp thị trên Internet WTC (Mỹ) đã đưa ra năm điều cần phải tránh để không bị thất bại khi tiếp thị, kinh doanh trên Facebook.
Một là không nên đưa lên những chuyện đùa giỡn, khôi hài tệ hại và nhạy cảm. Đặc biệt phải tránh những chuyện có thể khiến người dùng bị sốc, kinh sợ hay cảm thấy mình bị xúc phạm, nhất là những chuyện có thể làm xấu đi hình ảnh của doanh nghiệp.
Hai là tiến hành hoạt động quan hệ công chúng (PR) quá tệ. Cộng đồng mạng xã hội rất phức tạp, không thể dễ ngươi được. Bất luận là do họ hiểu lầm, ngộ nhận hay là bởi tính hiểm độc, việc xử lý khủng hoảng chẳng bao giờ dễ dàng và không để lại sẹo.
Ba là lạm dụng nút Like của Facebook cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng đồng nghĩa với quảng bá thương hiệu của mình.
Bốn là đưa lên những nội dung không liên quan gì tới hoạt động của doanh nghiệp mình. Sẽ thật là phản tác dụng nếu như một doanh nghiệp kinh doanh hàng tạp hóa mà cứ liên tục tra tấn người dùng với những tin bài về chính trị trong khi người dùng cần những thông tin mà họ quan tâm hay những điều có lợi về hoạt động của doanh nghiệp đó.
Năm là không đăng bài đủ mức yêu cầu. Người ta sẽ bỏ đi nếu vào trang của bạn mà không có gì mới. Hơn nữa, nếu bạn đăng nội dung quá ít hay không có liên quan, thuật toán của Facebook sẽ xếp trang của bạn vào danh sách không đáng để coi. Vậy là tiêu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet