Trước thông tin, tại sao máu nhân đạo mà bệnh nhân vẫn phải trả tiền mua, đại diện Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương (Hà Nội) cho biết: “Để có được mỗi lít máu dùng được, Nhà nước phải bù lỗ khá nhiều cho việc thu nhận, xử lý và bảo quản, chứ không đơn giản là lấy máu từ người này rồi đem bán cho bệnh nhân. Ai suy nghĩ như vậy là chưa đúng”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn máu nhân đạo được sử dụng như thế nào, vì sao máu hiến nhân đạo mà bệnh nhân vẫn phải bỏ tiền mua với mức khá cao?
Để có câu trả lời chính xác cho những băn khoăn này, chúng tôi đã tìm đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội).
Trao đổi với chúng tôi, GS. TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, trong năm 2014 cả nước đã tiếp nhận hơn 1 triệu đơn vị máu (trong đó chiếm 97% lượng máu từ người dân hiến).
Bệnh nhân chờ hiến máu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Một người dân vui vẻ trong quá trình hiến máu.
“Tuy nhiên, kinh phí bệnh nhân sử dụng máu phải trả đều dựa trên một quy trình làm giá hết sức chặt chẽ, không chỉ của riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, các Trung tâm truyền máu trong cả nước mà còn của các Vụ chức năng thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Hiện nay, tôi được biết không chỉ ở Viện mà hầu hết các cơ sở truyền máu trong cả nước đang chấp hành một cách nghiêm túc”, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Theo Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, máu tiếp nhận được từ người hiến máu chỉ mới là nguồn nguyên liệu bước đầu cho một quá trình chuyên môn hết sức nghiêm ngặt trước khi đến tới bệnh nhân.
Máu được nhân viên y tế xếp ngay ngắn theo từng nhóm.
Khi tiếp nhận máu, các nhân viên y tế bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phù hợp.
Để có máu truyền cho bệnh nhân từ khâu tiếp nhận máu đến khi truyền được phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bảo quản trong điều kiện vô trùng.
Máy sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu.
Từ nguồn máu người dân hiến phải trải qua các công đoạn, phân tách, xét nghiệm, bảo quản, lưu trữ mang đến các bệnh viện, truyền về từng khoa phòng làm các khâu kỹ thuật… những công đoạn đó tốn rất nhiều kinh phí.
“Cụ thể chúng tôi phải tiến hành những xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (như: HIV, HBV, HCV, giang mai, sốt rét...), định nhóm máu hệ ABO, Rh; xác định huyết sắc tố.... Tiến hành sản xuất ra các thành phần máu khác nhau từ đơn vị máu toàn phần như: tiểu cầu, hồng cầu khối, bạch cầu, huyết tương, tủa lạnh yếu tố VIII... Thực hiện quy trình lưu trữ và bảo quản nghiêm ngặt về nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc... trong điều kiện của ngân hàng máu. Đồng thời, phải tiến hành các xét nghiệm về nhóm máu, các kháng thể bất thường trước khi phát đơn vị máu đó cho người bệnh sử dụng….”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu rõ.
Phòng lưu trữ chuẩn bị cấp phát máu cho các bệnh nhân.
Máu cho từng bệnh nhân được đánh số, tên.
Theo ông Trí: “Toàn bộ quy trình này nếu tính đúng khi mỗi đơn vị máu trải qua tất cả các công đoạn xử lý đến tay người bệnh có giá không dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên, người bệnh chỉ phải trả 450 đến 810 nghìn đồng tùy vào thể tích máu. Còn hơn 1 triệu đồng do Nhà nước vẫn đang tiếp tục bao cấp cho người bệnh khi sử dụng máu. Mặt khác, về cơ bản chi phí cho máu đã sử dụng được bảo hiểm y tế chi trả. Vậy số tiền cho một đơn vị máu là không lớn và người bệnh, đặc biệt là người nghèo cũng không phải chi trả. Ai suy nghĩ số máu hiến sao phải trả tiền thì đó là suy nghĩ chưa đúng”.
Mấy ngày vừa qua nguồn máu cho bệnh nhân, đặc biệt là nhóm máu A và O rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng, nguồn máu dự trữ cấp cứu cho bệnh nhân chỉ đủ sử dụng trong 3 ngày. Tuy nhiên, ngay sau đó đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tấm lòng đến hiến máu.
“Ngay khi thông tin Viện cầu cứu, nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng đã có rất nhiều người dân tích cực tham gia hiến máu và hiện tại đã có được sự ổn định rất kịp thời. Nhờ đó mà số lượng người tham gia hiến máu tăng gấp 10 lần so với những ngày thường, ngày 25/6 có tới 361 người đến hiến máu đến tận 21h tối cùng ngày. Như thế mới thấy được lòng tốt của mọi người”, Viện Trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, cuối năm và hè năm nào cũng rơi vào tình trạng thiếu máu cấp cứu cho bệnh nhân và đặc biệt nhất tháng 6 năm nào cũng thế. Năm nay, do nhu cầu máu tăng đột biến, mất cân đối các nhóm máu nên kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.
Mấy ngày qua kể từ khi biết thông tin các bệnh viện thiếu máu trầm trọng nhiều người đã tình nguyện đến hiến.
Chứng kiến hình ảnh người dân chờ đợi hiến máu, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Tôi thực sự rất xúc động khi trong ngày 24/6, dù trời mưa bão nhưng người dân vẫn nhiệt tình đến hiến máu. Trong ngày 26/6, người dân đã đến chật kín tầng 2 xếp hàng chờ hiến máu, có nhiều người gọi điện cho tôi tha thiết mong muốn được hiến máu. Người dân đã thực sự cùng với Viện Huyết học chung tay giải quyết vấn đề thiếu máu”.
Qua sự việc thiếu máu lần này, GS.TS Nguyễn Anh Trí khẩn thiết bày tỏ, tình trạng khan hiếm máu vẫn là nỗi lo thường trực của các trung tâm truyền máu, nhất là trong mùa hè. Viện vẫn đang tiếp tục kêu gọi, vận động cộng đồng cùng chung tay vào cuộc, đặc biệt mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ của mọi người dân trong cả nước.
Định Nguyễn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet