Khái niệm “phượt” những năm trở lại đây rất phổ biến, người người, nhà nhà xách balo lên tìm những vùng đất mới, hình ảnh về các chuyến đi tràn ngập trên mạng xã hội. Thế nhưng, vẫn có những cái nhìn khá chủ quan về hình thức “phượt”, khiến không ít người hiểu lầm rằng đi
phượt không tốt. Cùng “giải oan” cho các
phượt thủ nào.
Phượt có xấu như một số người vẫn nghĩ? - Ảnh: Jay Walker
1. PHƯỢT CHỈ DÀNH CHO NHỮNG KẺ ÍT TIỀN
Trông những anh chàng, cô nàng bụi bặm ngồi trên chiếc xe số rẻ tiền, thậm chí những chiếc cổ “rách rưới” như đồ phế thải, pô xả khói mù mịt, ai nấy đầu đội mấy cái nồi cơm điện dán mấy miếng phản quang xanh lè, quần áo nhem nhuốc bui đường, đeo ba lô to sụ, ôi sao mà giống dân buôn thế.
Phượt chỉ dành cho những kẻ ít tiền? - Ảnh: Nguyễn Toàn
Nhiều tiền, bạn có chọn cách trải nghiệm như thế này không? - Ảnh: Jay Walker
Phải nói rằng hình ảnh trên đường của phượt thủ thường không mấy khi đẹp mắt, nhất là có những kẻ chuộng phóng khoáng, ăn mặc có phần dị hợm hoặc đơn giản quá mức. Thế nhưng đừng nói rằng họ là những kẻ “ít tiền” nếu biết giá trị một chiếc xe cổ tương đương một chiếc tay ga đời mới hiện nay, hay những đội chơi xe phân khối lớn dùng những chiếc mũ hàng triệu đồng, hoặc có khi ở nhà họ là cậu ấm cô chiêu nhưng đến với phượt, họ chỉ cần có vậy, thoải mái, tự do mặc đồ mình thích để lê la khắp các nẻo đường.
Ăn mặc cũng chẳng lấy gì làm đẹp mắt - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Chạy những con xe số cũ kĩ - Ảnh: Nguyễn Toàn
2. PHƯỢT LÀ PHẢI HÀNH XÁC
Thấy các thanh niên ăn bờ ngủ bụi, có đội đi xách theo cả thùng mỳ tôm, xoong nồi bát đĩa, lều bạt, lắm kẻ đã lắc đầu ngán ngẩm nghĩ tới chuỗi ngày gian khổ trước mắt mà chùn chân. Nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, tìm tới vùng sâu vùng xa, nơi chẳng có tiện nghi thành thị, thậm chí chẳng có ánh đèn hiện đại. Tất cả đều mang tính trải nghiệm, sống những ngày tư do, khổ một tí nhưng chẳng thấm tháp là bao so với những niềm vui mà họ có.
Bữa trưa trong một chuyến leo núi - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Tuy nhiên, đâu phải ai cũng chọn cho mình hình thức “hành xác”, và đâu phải cứ “hành xác” mới là đi phượt. Bạn hoàn toàn có thể nghỉ ở những resort hạng sang, khách sạn vài sao, villa nhà vườn, hưởng tiện nghi tối đa và ăn những món đắt tiền tùy vào hầu bao cho phép.
Nhưng chẳng nhẽ không được vào quán thưởng thức đặc sản ngon lành thế này - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Dân phượt thì hầu hết chọn những nhà nghỉ rẻ tiền, quán ăn từ bình dân cho tới sang một chút, miễn là ngon và giá hợp lý, ở những nơi có đầy đủ dịch vụ. Bạn nghĩ xem, tội gì chịu khổ nếu bạn không muốn, nếu như ở nơi đó chan hòa ánh điện, phục vụ đặc sản vùng miền ở các quán bình dân ?
Ngủ kiểu màn trời chiếu đất xem ra cũng không tồi đâu nhỉ - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Vào rừng thì lều là sự lựa chọn tối ưu - Ảnh: Heo Bờ Rồ
3. PHƯỢT CHỈ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI TRẺ
Chắc chắn là vô cùng chủ quan khi phát biểu điều này, bởi chẳng cần nhìn đâu xa, các tay phượt lão làng từ thời kì đầu của phượt hiện nay đều đã ngoài 40, 50 tuổi, đã có gia đình hạnh phúc nhưng chẳng hề bỏ lại niềm đam mê của mình.
Chẳng lẽ “phượt” chỉ dành cho người trẻ? - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Có những người biết tới phượt muộn hơn, ở tuổi không lấy gì làm trẻ trung vẫn tham gia cùng các bạn trẻ, xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Họ cũng vang lời ca tiếng hát, cũng nối đoàn xe khắp các con đèo, thậm chí chở theo người bạn đời hay con cái sau xe, du ngoạn khắp chốn.
Liệu bạn có thấy khoảng cách tuổi tác trong bức hình này? - Ảnh: Oliver Còi
Phượt không phân biệt tuổi tác, giới tính, mọi người đến với nhau bằng đam mê, chân tình.
4. PHƯỢT CHỈ CÓ THỂ ĐI BẰNG XE MÁY
Lại một định nghĩa sai lầm về phượt. Dân xê dịch được hiểu là những kẻ đi
du lịch ngẫu hứng, không theo tour có sẵn, tự mình đặt lịch trình và thực hiện nó, có khi muốn rẽ ngang, bẻ cung chẳng theo một thứ tự nào hết. Và đó là lý do tại sao không phải chỉ đi xe máy mới là đi phượt.
Không phải cứ đi xe máy mới là đi phượt - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Backpacker – một khái niệm chung cho dân
du lịch bụi trên toàn thế giới, sử dụng mọi phương tiện từ xe đạp, xe máy, máy bay, tàu hỏa… hay thậm chí là đi bộ. Chỉ với mục tiêu trải nghiệm, khám phá, còn lựa chọn đi bằng gì, đi như thế nào, là quyền của bạn.
Đi tàu cũng là trải nghiệm phượt thú vị - Ảnh: Heo Bờ Rồ
5. PHƯỢT LÀ TRÒ VÔ BỔ
Bạn đã từng thấy những đoàn phượt ngoài đồ dùng cần thiết còn chở theo cả thùng bánh kẹo, quần áo, sách vở… sau xe, bạn có biết những đoàn phượt mang trên vai hơn 10kg đồ đạc mỗi người băng rừng vào bản nhỏ để giúp đỡ những người dân nghèo, những em nhỏ hiếu học, bạn có biết nhờ những chuyến đi ngẫu hứng mà cộng đồng lại biết đến thêm những hoàn cảnh khó khăn mà lâu nay bị cái sâu xa hẻo lánh của vùng miền phủ kín ?
Mang hơi ấm về vùng cao - Ảnh: Nam Chấy
Băng rừng vào bản - Ảnh: Nam Chấy
Hay bạn có biết những kỹ năng sinh tồn, vượt núi băng rừng, nhóm lửa, dựng trại… các kỹ năng lái xe an toàn, sửa xe chuyên nghiệp không kém gì thợ từ đâu mà có ? Bạn có muốn được ngắm nhìn rừng núi bao la, biển rộng, sông dài, chinh phục các đỉnh núi cao bồng bềnh mây trắng, đi qua những mùa hoa thơm trái ngọt khắp đất nước thân yêu, hay phóng tầm mắt tới toàn nhân loại khi được đặt chân tới những quốc gia khác trên thế giới.
Khoảnh khắc gặp sự cố nhưng hết sức lạc quan - Ảnh: Nguyễn Toàn
Buông tiếng đàn giữa mây trắng bồng bềnh - Ảnh: Nam Chấy
Nói tới đây chắc bạn cũng đủ hiểu phượt không hề vô bổ, những gì bạn nhận được có lẽ còn nhiều hơn thế nữa, nếu bạn mở rộng tâm hồn, kết nối bạn bè khắp năm châu bốn bể.
Phượt - để kết nối năm châu - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Phượt ngoài những món ăn ngon, cảnh đẹp, còn có những người anh em, người bạn đồng hành khắp các nẻo đường, chia ngọt sẻ bùi, tương trợ lẫn nhau, và tình người lúc ấy ấm áp, chân thành hơn bao giờ hết.
Băng qua những đồi cát giữa cái nắng chói chang - Ảnh: Alex Nguyen
Nhưng cái mà họ nhận được là cả một vòng tròn bè bạn - Ảnh: Jay Walker
Gạt đi những định kiến sai lầm về phượt, bạn hãy thử xách ba lô lên và bắt đầu những chuyến đi cho riêng mình. Có thể không nhiều tiền, tuổi không còn trẻ, không có phương tiện, nhưng đừng lo, bạn có cả một thân thể khỏe mạnh, một trái tim nhiệt huyết, một đôi chân vững vàng và rất nhiều người sẵn sàng dang tay giúp đỡ bạn trên đường đi. Tuy nhiên hãy nhớ, Đi là để Trở về, đừng quên những kĩ năng tự bảo vệ mình để chuyến đi của bạn thành công, trọn vẹn nhé !
Nguồn : mytour.vn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet