Theo dự án, khu du lịch tâm linh này có bán kính rộng khoảng một km2, kết nối các di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình), dự kiến với tổng đầu tư gần 200 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn xã hội hóa 70%, còn lại là ngân sách của tỉnh. Dự kiến vào cuối năm nay, dự án được triển khai và khánh thành vào năm 2017.
Phối cảnh tổng thể khu di tích, du lịch tâm linh. |
Theo đồ án được duyệt, trong tương lai khu di tích sẽ nằm trong hệ thống du lịch của huyện Hưng Hà, tỉnh thái bình và đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, về đường thủy, tuyến du lịch trên sông Hồng và sông Luộc có ảnh hưởng trực tiếp tới khu di tích.
Du khách từ Hà Nội có thể theo sông Hồng tới thăm làng cổ, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội); khu di tích lịch sử Tiên Dung, khu Đền Trần (Nam Định), sau đó đến bến Lưu gia thăm lăng mộ Lưu Khánh Đàm và Lưu Điều, đền thờ Lưu Ngữ và chùa Báo Quốc (nằm trong quần thể khu di tích này).
Về đường bộ, khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Lưu Xá, chùa Báo Quốc và các di tích danh nhân họ Lưu (thuộc xã Canh Tân, Hưng Hà) sẽ được bảo tồn tôn tạo. Lăng sẽ được xây 9 tầng với các họa tiết hoa văn hình hoa mẫu đơn. Phía trước là sân rộng, hai bên là hai nhà soạn lễ và tiếp đón khách. Đây sẽ trở thành điểm du lịch quan trọng trong hệ thống các di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh Thái Bình.
Cây sanh hơn 200 năm tuổi nằm trong khu du lịch tâm linh tán rộng gần 300m², được công nhận là di sản Việt Nam.Ảnh: Phương Sơn |
Phía trước khu mộ Thái phó Lưu Khánh Đàm tạo hồ nước nhỏ, phía sau đắp đồi nhỏ. Khu mộ Thái úy Lưu Điều cũng được tôn tạo. Hai giếng mắt rồng được bảo tồn. Khuôn viên hai lăng mộ được mở rộng trồng nhiều cây bóng mát và hoa mẫu đơn.
Bến Lưu gia xưa được tái tạo lại trên bờ sông Luộc sẽ đón du khách đi bằng đường thủy tới thăm di tích. Trên bến xây dựng hai đền thờ: Đền thờ dòng họ Lưu để tưởng nhớ các danh nhân họ Lưu có công với đất nước và đền thờ họ Trần để tưởng nhớ thủy tổ Trần Lý và các danh nhân khác.
Hiện nay nhiều công trình có giá trị của đất Lưu gia xưa (thuộc huyện xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) không còn nữa, nhưng đền và chùa Lưu Xá thì vẫn giữ được nguyên dáng vẻ cổ kính xưa. Đền và chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trước cửa đền có cây sanh cổ thụ tán che rợp sân đình, đã được cấp bằng công nhận cây Di sản của Việt Nam. Hàng năm nhân dân Lưu Xá vẫn mở hội để tưởng nhớ công lao các danh nhân họ Lưu vào các ngày mồng 10 tháng 3 và ngày 15 tháng 10 âm lịch. Với công lao to lớn của các ông, các triều đại phong kiến Việt Nam đã có 14 sắc phong nay còn được lưu giữ tại đền. |
Bá Đô
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet