Chị và anh cưới được 8 năm, thêm 2 năm yêu nhau nữa là tròn 10. Người ta thường bảo vợ chồng chia ngọt sẻ bùi, nhưng nhà chị thì không thế. Ngọt bùi một phần, đắng cay một phần, riêng biệt và chia đều cho hai người. Chị chọn phần cay đắng, đương nhiên người nhận ngọt bùi là anh.
Bạn bè chị, ai biết và chơi với chị cũng đều nói là chị dại. Có ai đời lấy chồng về rồi để chăm bẵm không khác gì chăm con như chị, bao bọc che chở chẳng thiếu thứ gì. Người ta lấy chồng là mong có thêm một chỗ dựa, để khi gặp lúc chán nản, khi sa cơ lỡ vận thì có thêm một chốn để tìm về, ít nhất cũng để thấy bản thân được an ủi, tâm hồn được nhẹ nhõm phần nào. Chị nghe xong chỉ cười, chị bảo chị cá tính mạnh nên phải yêu một người yếu đuối hơn chị, như thế mới là cân bằng. “Thế gian được vợ mất chồng”, làm gì có nhà nào hoàn hảo để được trọn vẹn cả đôi.
Chồng chị vốn không phải là người đàn ông nhu nhược, nhưng quen được vợ lo lắng chu toàn tất cả mọi việc, thành ra ỷ nại. Chẳng biết từ khi nào, anh một câu “hỏi vợ”, hai câu “để vợ tính”, dần dần đến mất cả quyền tự quyết định. Bạn bè có ai châm chọc bảo anh “đội vợ lên đầu”, “đàn ông mặc váy”, mới đầu anh còn tỏ vẻ không vui, sau này anh thây kệ. Tai liền mồm đấy, tự nói thì tự nghe. Đôi khi anh còn cười cợt đế theo những câu bông đùa ấy của bạn.
Chị bảo chị cá tính mạnh nên phải yêu một người yếu đuối hơn chị, như thế mới là cân bằng. (ảnh minh họa)
Cuộc sống gia đình không có nhiều thay đổi, cứ đều đều trôi và yên bình như thế. Chị mang bầu rồi sinh con, lẩn quẩn quanh vòng xoay giữa gia đình và công việc. Thức dậy lúc sáng sớm, chuẩn bị cho con đi học rồi đi làm. Tối về lại quay như chong chóng lo cơm nước, nhà cửa, hôm nào còn việc tồn đọng thì lọ mọ tới tận khuya. Chị chê công việc anh lương thấp nên nhận đủ mọi công việc kiếm tiền. Nhìn khối công việc của chị, ai cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Thân thể con người, dù cố gắng thế nào cũng chẳng thể giống một cái máy, thi thoảng lại đòi đình công. Nhưng nghĩ thế nào, nhớ tới hộp sữa cho con tháng tới, nhớ tới học phí kỳ sau hay thêm một chiếc áo mới cho chồng mà chị lại bật dậy, tiếp tục lao vào mớ bòng bong công việc. Chị làm vợ, vừa là người kiếm tiền chính, vừa là ô-sin.
Anh an phận với một công việc tầm tầm, lương ít nhưng thảnh thơi, có thêm thời gian nghỉ ngơi và chơi thể thao mỗi buổi chiều. Việc nhàn, nhưng chẳng khi nào thấy anh hộ vợ việc nhà, hay dù chỉ là đón con đi học về mỗi chiều. Việc của anh hàng ngày chỉ là tỉnh dậy, lững thững chuẩn bị đi làm, nhởn nhơ chờ đến hết giờ rồi về. Rảnh thì ngồi café, rảnh nữa thì tụ tập dăm ba người ngồi nhậu hay đi đánh tennis. Về nhà, anh quẳng cái cặp sang một bên, nằm dài trên ghế sofa xem tivi, trong khi vợ lúi húi với cơm nước, con cái. Hồi đầu, anh còn ái ngại khi mình không giúp được gì cho vợ. Sau dần, anh chẳng còn ý nghĩ mó tay vào việc nhà, vì kiểu gì cũng sẽ bị chị kêu ca, làu bàu “anh vụng thế chỉ tổ vẽ thêm việc cho em làm. Thà anh ngồi yên em còn đỡ mệt hơn”. Tiền lương anh làm vừa đủ tiêu, khi nào có việc cần kíp thì hỏi vợ. Làm chồng sướng như ông hoàng!
Hai vợ chồng không có nhiều thời gian dành cho nhau. Ngoài việc làm đủ nghĩa vụ chồng vợ thì ai có việc nấy. Công việc chị bận rộn, chẳng có thời gian nghỉ chứ đừng nói tới đi du lịch cùng gia đình. Trong khi anh thì rảnh rang quá. Nhìn chị cuống quýt với việc đến không ngơi tay, anh vừa xót vợ vừa ghen tị. Đôi khi anh ước có được một phần sự bận rộn ấy, để đỡ cảm thấy lạc lõng khi ở vai trò của một người chồng.
Có đôi khi, những phút nghỉ hiếm hoi giữa giờ làm việc, chị giật mình không hiểu mình đang làm những gì với bản thân. Phải chăng là chính chị tự đày đọa mình khi lúc nào cũng cố gắng khoác thêm cho mình trách nhiệm, bồi đắp thêm phần nghĩa vụ? Nhìn chồng, chị chán nản khi chẳng còn nhận ra người đàn ông bên cạnh chị 8 năm nay khi so sánh với chàng người yêu tuyệt vời mà chị từng một thời ngưỡng mộ. Đã rất rất lâu rồi, chị chỉ nhận được những lời đồng ý, chấp nhận… không cảm xúc từ chồng. Chị thấy thèm một lần được nhìn thấy anh giận dữ. Chị cũng thèm một lần được đóng vai người yếu đuối cần chỗ dựa.
Lần đầu tiên trong suốt 8 năm, chị ngỡ ngàng khi thấy chồng giận dữ đến vậy. (ảnh minh họa)
Cuộc đời đâu thể suôn sẻ được mãi. Một ngày, chị nhập viện. Chẳng cần bác sỹ chuẩn đoán, ai cũng hiểu rằng thân thể chị - cỗ máy đã cần được dừng lại để bảo dưỡng. Cầm trên tay tờ kết quả khám bệnh của chị, nghe lời dặn dò từ bác sỹ, anh lê từng bước nặng nề về phòng chị nằm. Chẳng ngờ, vừa đẩy cửa vào đã thấy chị cố ngồi dậy gói ghém túi xách. Nhìn thấy anh, chị hốt hoảng:
- Việc nhà chưa ai làm, con đã đón chưa anh? Em vào đây thế này anh có gọi bà nội đến trông nhà không? Thế còn chỗ thức ăn em đi chợ mua từ sáng, không biết có ai cho vào tủ lạnh hộ em không…..
Chưa nói dứt câu, anh đã quát ầm ỹ:
- Việc viếc cái gì. Nghỉ hết!
- Nhưng còn con… - Chị lúng búng trong miệng
- Việc ấy em không phải lo nữa – Anh gắt gỏng
- Em thấy không an tâm…
- Tâm tiếc gì! – Giọng anh ngày càng gằn xuống
- Em không…
- Đến giờ thì người không an tâm nhất chính là em ấy. Em làm ơn nằm xuống và vứt hai cái từ công việc lại cho người khác đi. Em làm chồng suốt 8 năm qua chưa đủ sao? – Anh quát lên đầy giận dữ
Chị sững người khi nghe câu nói phát ra từ chồng. Rồi như một đứa trẻ có lỗi, chị bỏ túi, nằm xuống, quay mặt vào tường và nước mắt tự nhiên tuôn trào. Anh không vỗ về vợ. Anh chỉ lẳng lặng pha nước cam đặt trên bàn, rút điện thoại gọi về nhà sắp xếp chu toàn công việc ở nhà rồi ngồi yên lặng bên cạnh nhìn chị. Hôm nay anh mới thấy vợ nhỏ bé biết chừng nào...
Lần đầu tiên trong suốt 8 năm, chị ngỡ ngàng khi thấy chồng giận dữ đến vậy. Nhưng chị vẫn thấy vui vì ít ra anh vẫn còn biết thế nào là giận. Dù muộn nhưng chị nhận ra mình đã sai thật rồi. Chị sai khi đã vô tâm cướp đi quyền được lo lắng của chồng, thậm chí là cướp cả quyền làm trụ cột của anh. Không phải ai cũng vui vẻ khi vứt bỏ được trách nhiệm, khi không cần mướt mồ hôi lo cơm áo gạo tiền, không phải điên đầu vì đủ thứ nghĩa vụ cần được làm tròn. Hạnh phúc đôi khi chỉ là được sống đúng với bổn phận của mình, được chung vai lo lắng, được than thở, được khóc khi gặp phải chuyện chán chường. Ngày mai, chắc chị sẽ trả lại cho anh đúng tên gọi và đúng nghĩa làm chồng. Còn chị, làm vợ có lẽ sẽ hợp hơn…
beforeAfter('.before-after');Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet