Tác giả Vũ Ngọc Anh trong chuyến đi Cà Mau bằng xe lăn
Tất nhiên phải tuân theo những thứ mà tôi đọc được ở đâu đó như sau, không biết là đùa hay thật: - Phải ăn mặc bụi bụi, quần áo phải là camo hoặc áo rằn ri. Đầu quấn khăn hoặc không, phải mặc áo Việt Nam. Các bạn cứ làm như nếu không mặc cờ đỏ sao vàng thì không ai biết bạn là người Việt Nam vậy. - Không được phép ở khách sạn hay nhà nghỉ sang trọng, có ở thì chỉ được ở nhà nghỉ hoặc nhờ nhà dân, đỉnh cao là phải ngủ ở ngoài đường, với dù, bạt, lều... - Không được đi ăn nhà hàng, kể cả có tiền, phải mua bánh mì, lương khô mang theo. - Không như thế thì không phải dân phượt chuyên nghiệp.
Tôi không biết gì về phượt, không biết các "cung" này cung nọ, không biết thuật ngữ chuyên môn của các bạn, tôi không biết xế là gì ôm là gì đến khi tôi google ra một vài năm trước đây. Nhưng cái thời tôi biết đến phượt khác xa thời bây giờ nhiều quá, cái quy chuẩn phía trên làm tôi phải suy nghĩ nhiều quá. Thời đó tôi càng muốn đọc những review và cảm nhận của mỗi người bao nhiêu thì giờ có cảm giác ngược lại, hễ ai nói "tao đi phượt" là ghét và có ấn tượng không tốt. Phải chăng các bạn đã làm phượt mất chất? Cảm nhận của mỗi nơi đến thay bằng những tấm hình vô tri, hay "đã bỏ tiền vào chụp ảnh thì phá nát cũng được". Tôi biết, trong các bạn vẫn còn rất nhiều người đi để mở mang tầm mắt, học hỏi thêm nhiều thứ để trau dồi vốn sống của mình, nhưng những người như thế dần dần họ cũng chẳng tự nhận mình là dân phượt nữa. Những người như thế thì có được bao nhiêu? Tác giả Vũ Ngọc Anh trong chuyến đi Cà Mau bằng xe lăn.
Bao nhiêu bạn trong đây đi phượt trong người mang theo một mảnh giấy ghi số điện thoại của người thân để chẳng may có việc gì thì người khác còn liên lạc về với gia đình? Một người anh mà tôi quen, có một chuyến đi dài dọc từ TP HCM – Hà Nội, Việt Nam tới Myanmar và quay ngược lại TP HCM. Theo dõi chuyến đi tôi thấy khác hẳn những gì các bạn hay đi phượt ở nhà, ông anh lên kế hoạch chi tiết đi tới đây sẽ làm gì, đi tới kia sẽ làm gì, ngoài việc tự sướng ra thì kế hoạch chi tiết cũng là một điều cần thiết trong các chuyến đi. Không phải các bạn cứ ngồi lên xe, các bạn cứ cầm một cái gậy, là có thể leo núi được và chạy xe đường dài được.
Vụ nhóm "phượt" núi Bà Đen và lạc, không xuống được phải gọi điện cầu cứu. Tự hỏi, do trưởng nhóm thiếu kinh nghiệm, tự tin thái quá, hay chỉ là một-nhóm-thích-đi-với-nhau? Phượt thủ gì khi trong tay không có một món đồ cứu hộ? Ở Việt Nam, do môi trường giáo dục là bao bọc, cho nên những khóa học về sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt là không có, nhưng với sự phát triển của mạng lưới viễn thông hiện nay, tôi cũng không hiểu tại sao còn có những bạn nhắm mắt mà đi như vậy. Đi, nhưng đi an toàn. Thế mới là đi các bạn ạ. Đọc đến đây, chắc kiểu gì cũng có bạn nói: Không mạo hiểm thì sao biết bản thân mình như thế nào. Okie, cái đó đồng ý, nhưng tất cả những thứ mạo hiểm của các bạn phải có một giới hạn. Dù có gọi là gì, thì du lịch và trải nghiệm luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm, họ muốn sống để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng cũng đừng vì thế mà phí cả tương lai phía trước với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả.
Tôi chưa bao giờ gọi chuyến đi của mình là Phượt, vì tôi không thích dùng từ đó. Tôi chưa đủ liều như các bạn khác để có thể đánh đổi số phận của mình vào những chuyến đi mà-tôi-chưa-sẵn-sàng, tôi ko đánh cược mạng sống, vài kinh nghiệm từ người đi trước sẽ cho tôi biết cần phải làm những gì đối với bản thân. Tôi đi không mặc đồ bụi bụi, tôi đi không mang lương khô và bánh mì, tôi đi không mang lều chõng, tôi đi không ngủ bờ ngủ bụi, tôi không phải là phượt thủ. Tôi chỉ là một người thích-đi-lại. Tác giả Vũ Ngọc Anh.
Nguồn Zing News
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet