Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu
Nhiều trẻ mắc viêm màng não nhưng không có biểu hiện điển hình khiến cha mẹ lơ là, chủ quan nhầm sang căn bệnh khác. Phát hiện và điều trị chậm bệnh viêm màng não có thể sẽ để lại nhiều di chứng đáng tiếc cho trẻ.
“Ngày nào cũng có bệnh nhân viêm màng não nhập viện”
Mặc dù đây không phải là mùa cao điểm của bệnh viêm màng não, tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, BV Bạch Mai, ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh này. Trong đó, phổ biến nhất là trẻ mắc viêm màng não virus, còn lại là một vài trường hợp viêm màng não mủ và viêm não.
Chị Nguyễn Thu Nga (trú tại Định Công, Hà Nội) chăm con gái 5 tuổi điều trị tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã được bốn ngày, cho biết: “Cứ nghĩ con bị cảm cúm nên mình cho uống thuốc, hai ngày cháu không đỡ mà cứ ngủ li bì, tỉnh dậy lại kêu đau đầu. Hoảng quá, đưa con đi khám, mới biết con bị viêm màng não virus”. Sau bốn ngày điều trị, sức khỏe con gái chị Nga dần ổn định. Tương tự, gia đình chị Ngô Thị Nhã (Minh Khai, Hà Nội) cũng chủ quan, thấy con sốt, nôn nhiều, chị mua thuốc cho uống. Đến ngày thứ ba, thấy con ngủ nhiều, sốt không dứt, chị đưa tới bệnh viện mới được chẩn đúng bệnh.
Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp trẻ bị viêm não nặng, do phụ huynh chủ quan trước những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Bệnh hay gặp ở trẻ từ 2-15 tuổi.
Biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu... “Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều, cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám để được làm xét nghiệm dịch não tủy”, BS. Dũng khuyến cáo.
BS. Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cho biết thêm, nếu trẻ nhỏ chưa biết kêu đau đầu, cha mẹ cần lưu ý: ngoài sốt, trẻ có biểu hiện nôn vọt, thóp phồng… thì cần đi khám ngay. Nếu để trẻ co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê là tình trạng nặng.
Tự ý dùng kháng sinh khiến bệnh thêm nặng
BS. Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, gần 90% số trẻ được cha mẹ tự mua thuốc kháng sinh cho uống trước khi đến khám và điều trị tại bệnh viện, có trường hợp để lại hậu quả nặng nề. Cùng quan điểm, BS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai cảnh báo, việc lạm dụng kháng sinh sẽ khiến điều trị bệnh của y, bác sỹ gặp vô vàn khó khăn do vi khuẩn đã kháng thuốc.
Dẫn chứng cho điều này, BS. Dũng cho biết, vừa qua, khoa tiếp nhận bệnh nhi Đ.Q.V. nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, được chẩn đoán mắc viêm phổi. Qua lời kể của gia đình, trước khi nhập viện, cha mẹ bệnh nhi đã tự cho uống kháng sinh. Do vậy khi vào viện, triệu chứng bệnh nhi rất giống với viêm phổi. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh nhi không những không có dấu hiệu phục hồi mà còn diễn biến nặng hơn với triệu chứng sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sỹ quyết định chọc dịch não tủy, kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não mủ mức độ rất nặng. “Chính việc trẻ đã được dùng thuốc kháng sinh trước đó, làm mất dấu hiệu của bệnh viêm màng não, khiến việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Không những vậy, thời gian điều trị bệnh kéo dài, cùng với lượng kháng sinh điều trị phải nặng hơn, rất tốn kém. Trong trường hợp phát hiện muộn, trẻ còn mất đi cơ hội được điều trị khỏi bệnh”, BS. Dũng cho biết.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet