Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 281 trường hợp ho gà trong khi các năm trước trung bình chỉ 120-130 ca.
Ngày 19.8, tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương có 13 bệnh nhi điều trị bệnh ho gà, nhiều cháu là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trong khi đó, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa cho biết, bệnh ho gà cũng xuất hiện rải rác, các bác sĩ phải chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện tại khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng có 8 trẻ đang điều trị. Số trẻ mắc chủ yếu ở độ tuổi từ 2 - 7 tháng, trong đó phần lớn do chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
Trẻ mắc ho gà đang điều trị tại bệnh viện.
PGS TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước đây, ho gà vốn là bệnh “hiếm”. Ho gà chỉ tập trung cao điểm vào mùa Đông Xuân nhưng năm nay rải rác kéo dài, số ca nhập viện đều đều từ 7-9 ca/tuần, rải rác từ khắp các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng...
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây khi chưa được tiêm phòng ho gà, tỉ lệ trẻ em mắc căn bệnh này khá nhiều. Bệnh ho gà dễ lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, ôm hôn..) khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.
Trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã nguy kịch.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ho gà khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Khi ho trẻ thường bị chảy nước mắt nước mũi, thậm chí xuất tiết mắt và cơn ho dữ dội, kéo dài. Có những trẻ mắc bệnh này ho đến vài tháng trời.
Do đó, chuyên gia cảnh báo, khi trẻ xuất hiện cơn ho kéo dài mà chưa được tiêm phòng vắc-xin ho gà cần đưa trẻ đi khám điều trị sớm. Cha mẹ tuyệt đối không tự điều trị, đến lúc trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.
Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà. Ngoài ra, cần tránh cho bé tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet