Giới chơi xe máy ở Hà Nội – bất kể là chơi xe gì vẫn luôn “nể” những tay chơi Dream Thái, sự nể nang đó không phải là vì họ chơi xe đắt tiền mà đó chính là đã “dấn thân” vào “con đường khổ ải”. Nguyễn Hải Triều, dân chơi xe dream Thái có tiếng ở đất Hà thành cho biết: “Người chơi xe Dream II không phải chỉ thích dòng xe này mà chơi được bởi không lao tâm khổ tứ thì sẽ bỏ cuộc chơi giữa chừng. Ngoài tiền bạc, người chơi còn phải dành nhiều thời gian, công sức để chau chút vào chiếc xe, tìm nơi phục chế ưng ý, đi tới tận những “xó xỉnh” để tìm mua phụ tùng thay thế… Mà theo như câu nói mà Triều thường nói với những dân chơi Dream Thái rằng “Phải có tâm huyết thì mới trở thành dân chơi Dream Thái. Nếu không, bạn hãy dừng lại ở người đi xe.
Càng khám phá thú chơi xe Dream II, người viết bài càng hiểu rõ, hai khái niệm “đi xe” và “chơi xe” được bóc tách rõ ràng. Nếu cùng là chủ nhân của một chiếc Dream, người sử dụng chỉ coi đó là phương tiện di chuyển thì đó ắt là người đi xe mà thôi. Còn với dân chơi Dream, họ có hàng trăm việc phải làm trong suốt quá trình sở hữu chiếc xe như: luôn làm cho chiếc xe của mình là số 1. Trước hết, nước sơn phải giữ được độ bóng và đúng tông màu huyền thoại nho tím. Theo Hải Triều, đây là một trong những việc rất khó đối với người chơi xe Dream, bởi muốn giữ được độ bóng và màu sắc nguyên bản của xe thì không được dán nilon bởi sau một thời gian lớp nilon sẽ ngả vàng, xước xát làm mất mầu xe, nhưng nếu không dán nilon thì bắt buộc phải tự mình chống xước, khi đi gửi xe ở các điểm công cộng phải “năn nỉ” người trông xe dành cho một chỗ để xe ít va chạm với xe khác, trời mưa, ngày nắng phải mặc áo mưa cho xe để nước sơn không bị xâm hại, thậm chí người mình có ướt…
Nếu ra đường gặp một con xe Dream nào “vượt mặt” chắc hẳn dân chơi Dream đích thực sẽ mất ăn, mất ngủ vì xe mình kém cạnh. Vì thế, chuyện mất nhiều tháng trời, thậm chí cả năm để săn lùng một chi tiết rất nhỏ trên xe để thay thế như 2 cụm công tắc (đề, còi, đèn…) là chuyện thường đối với dân chơi Dream, hay lùng xục khắp chợ Trời, tìm đến các cửa hàng sửa xe máy… để tìm một chiếc yếm xe Thái xịn là chuyện thường gặp ở họ. Người “ngoại đạo” thường nói, sao phải khổ sở thế, ra cửa hàng mua yếm mới cho đỡ khổ. Nhưng Hải Triều cho rằng: Chỉ có người không am hiểu mới chọn lắp yếm mới, bởi yếm xe Dream Thái xịn không có màu trắng sáng như hàng Sái Gòn, hàng gia công mà nó có màu trắng ngà ngà, yếm tuy dày dặn nhưng có độ dẻo dai, càng sử dụng màu yếm xe càng lỳ, còn nếu lắp yếm mới thì sau một thời gian ngắn sẽ mất mầu, xước xát làm mất điểm cả chiếc xe…
Tại Hà Nội, những bạn trẻ chơi xe Dream II ngày càng nhiều và đã có một CLB Dream II được thành lập cách đây 4 năm với khoảng 300 thành viên tham gia, đó là chưa kể đến những hội chơi xe riêng lẻ khác. Dương Minh Đại, trú tại 47 Triệu Việt Vương, Hà Nội - một thành viên trong CLB Dream II Hà Nội cho biết: Chỉ cưỡi một chú Dream Thái lượn phố bạn đã tạo cho mình một phong cách riêng. Vì thế, cách chơi xe, chăm xe, độ xe của dân chơi Dream cũng rất riêng. Dân chơi xe Dream kị nhất chuyện rửa xe khi máy và pô đang nóng bởi sẽ làm da máy và cổ pô bị ngả vàng, nếu đi trời mưa về phải rửa xe ngay để tránh bị han rỉ. Để giữ nước sơn bóng đẹp thì không được dán nilon nhưng làm sao không để va quệt, sước xát…”
Để phục chế một chiếc Dream hoàn chỉnh đòi hỏi phải có thời gian, công sức và tiền bạc. Hiện dân chơi Dream Thái ở Hà Nội phục chế xe xe theo 2 cách. Cách thứ nhất, chọn mua xe Thái cũ (thường là xe đời sản xuất trước năm 2.000, một chiếc máy móc nguyên bản giá bán khoảng 12 – 15 triệu đồng). Những bước tiếp theo mới là gian nan cho chủ xe, bởi phải có tiền và thời gian lùng xục mua phụ tùng thay thế cho chiếc xe, hoặc chọn cách mông, tút tát lại những phụ tùng trên chính chiếc xe. Nếu người chơi yêu cầu làm mới xe 100% (dân chơi thường gọi là xe 10 tuổi) thì từ những chi tiết nhỏ nhất trên xe như: chân nan hoa phải gôm lại bóng vàng như mới, các con ốc, nước sơn, nước mạ phải sáng như xe mới, phần sơn da máy phải độ xâu bóng nhưng vẫn có độ lỳ đặc trưng của Dream Thái, riêng pô xe thì phải mua mới (giá thị trường 800 nghìn đồng), trên pô có dập mã Tiss 2543, hoặc 1985, đây là chi tiết rất quan trọng trong phần mông má bởi pô xịn mới xe mới có tiếng nổ chắc, đanh đặc trưng… Chi phí mông một chiếc xe hoàn chỉnh như trên mất khoảng 7 - 10 triệu đồng. Cách thứ 2 mà những dân chơi mới ra nhập thường chọn là mua xe Dream Việt Nam với giá 19 triệu và thêm khoảng 5 triệu đồng để thay pô, càng xe, đèn pha, hậu, tem xe…
Không giống như những người chơi các dòng xe khác như: xe phân khối lớn, xe cào cào, xe thể thao, xe ga hàng hiệu… Bởi để trở thành dân chơi của những loại xe nói trên thì chỉ cần vác tiền ra cửa hàng làm một “con” mới cóng. Nhưng, dân chơi xe Dream nhiều khi có tiền cũng chỉ nằm ôm tiền mà tiếc nuối không thể mua được chiếc xe mình muốn, bởi gặp xe thích mà chủ xe không bán, hay làm giá trên trời như đánh đố người mua. Dân chơi xe Dream Thái ở Hà Nội ai cũng phải ít nhất một lần tìm đến cửa hàng của Thành – một “nghệ nhân” phục chế Dream Thái uy tín có cửa hàng nằm cuối con phố Trương Định. Gặp Thành vào một chiều chủ nhật cuối tháng 6 với bộ dạng lấm lem đầy dầu mỡ, mồ hôi nhễ nhại Thành chỉ vào 4 – 5 xe Dream đang chờ được phục chế: “Anh thấy đấy, với e không hề có ngày nghỉ, từ sáng đến tối chỉ cặm cụi với công việc mà đôi khi còn bị chủ xe la mắng vì làm lâu. Thực ra, việc phục chế, làm mới hoàn chỉnh một chiếc Dream Thái từ xe cũ nguyên bản chỉ mất khoảng 1 tuần nếu như có sẵn phụ tùng, nhưng càng ngày phụ tùng thay thế cho loại xe càng hiếm nên đôi khi để làm được một chiếc xe mất cả tháng trời…”
Theo Thành, những người thợ như anh cũng phải có tâm huyết và niềm đam mê xe Dream Thái mới có thể làm nghề, lời lãi kiếm được từ nghề ngày càng ít đi mà đôi khi họ phải lùng xục khắp nơi để kiếm phụ tùng, linh kiện hộ chủ xe vì đã nhận “khoán trắng”. Đồ “nhái” tuy bán đầy ngoài thị trường nhưng với những người thợ tâm huyết họ không nỡ thay thế đồ này dù phải mất công sức để tìm được đồ chính hiệu.
Một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề mà Thành tâm sự: Đó là một chủ thầu xây dựng quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng có chiếc xe Dream Thái đời 2001 là hàng “3 cục” (Sở dĩ dân buôn xe thời đó gọi Dream Thái hàng 3 cục là mỗi xe nhập về được đựng trong 3 thùng, thùng thứ nhất chứa khung xe, thùng thứ 2 gồm 2 bánh xe, toàn bộ đồ nhựa, thùng thứ 3 gồm yếm xe, và các linh kiện nhỏ như ốc vít, gương xe, giỏ xe…Số máy và số khung phải trùng nhau và 2 số đầu thường phải là số 85 hoặc 80). Ông chủ thầu xây dựng đó có thời gian sống ở Hà Nội 4 năm và thường mang xe tới cửa hàng của Thành sửa chữa, bảo dưỡng. 4 năm trời Thành tìm đủ mọi cách thuyết phục, thậm chí hứa đổi hẳn một chiếc xe ga Honda Air Blade mới mà chủ nhân không chấp thuận.
Tuy nhiên, cách đây 2 tháng (tức sau 1 năm quay về quê) ông khách mới gọi cho Thành đồng ý bán xe. Mừng như bắt được vàng, anh lên xe khách tức tốc về Thủy Nguyên, Hải Phòng và mua được chiếc xe đó với giá hữu nghị 15 triệu đồng. Mà theo lời Thành, trước khi trao xe chủ nhân có nói với anh rằng, nhiều người ở đất Thủy Nguyên sẵn sàng bỏ 30 triệu đồng để mua xe của ông ta, nhưng nể sự đam mê, tâm huyết của một người thợ, người chơi xe như Thành mà ông đã gọi cho anh khi muốn bán xe…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet