Theo sách sử chép lại, từ xa xưa, mảnh đất Cổ Pháp vốn được coi là nơi “địa linh nhân kiệt” với câu ca lưu truyền trong dân gian: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”. Đây đồng thời cũng là nơi phát tích củatriều đại nhà Lý, kéo dài hơn 200 năm - một trong những vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với những vị Vua có công khai sáng nền văn minh Đại Việt, mở đầu giai đoạn xây dựng nhà nước phong kiến độc lập tự chủ và phát triển cường thịnh trong lịch sử dân tộc.
Liên tục được tu tạo qua các thời kỳ, Đền Đô là nơi thời phụng 8 vị vua nhà Lý: Lý Thái Tổ (1009 - 1028); Lý Thái Tông (1028 - 1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông (1072 - 1128); Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210) và Lý Huệ Tông (1210 - 1224).
Cổ Pháp điện, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Được xây dựng theo cấu trúc của “kinh đô”, Đền Đô (nơi xưa vua ở) có tổng diện tích trên 31.000 m2 với 21 hạng mục, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Với nhiều công trình kiến trúc như Nhà văn chỉ, Nhà võ chỉ, Hậu Cung, Nhà Tiền Tế, Nhà Thủy đình, Hồ Bán nguyệt, Khu nhà bia…
Các công trình nằm trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc kỳ công, độc đáo. Trong đó Khu Nội thành có kiến trúc theo lối cổ truyền thống của phương đông. Cổng chính dẫn vào nội thành được gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có chạm khắc tinh xảo hình năm con rồng, biểu tượng của quyền lực vương triều phong kiến triều đại nhà Lý lúc bấy giờ. Trung tâm Khu Nội thành đồng thời cũng là trung tâm của Đền Đô là chính điện. Sau cùng là Cổ Pháp điện rộng trên 180 m2, là vị trí đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Khách thập phương tham quan Khu Nội thành.
Tại phía ngoài khu Nội thành, Bức Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của vua Lý Thái Tổ được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 1010 - 2010”. Đây là bức chiếu bằng gốm lớn nhất Việt Nam với chiều cao 3,5 m, rộng hơn 8 m, được ghép bởi 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng.
Điểm nhấn nổi bật nhất của khu Ngoại thành đó chính là Nhà Thủy đình. Được dựng trên Hồ Bán nguyệt, Nhà Thủy đình rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong vút. Đây là địa điểm để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước. Nay, Nhà Thủy đình là một điểm thu hút nhiều du khách tham quan, tìm hiểu nhà nước phong kiến triều đại nhà Lý, đồng thời cũng là địa điểm dừng chân nghỉ ngơi của nhiều khách thập phương khi về thăm Đền Đô.
Ghi nhận những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô, tháng 3/2015, cùng với Khu Lăng mộ các vị Vua nhà Lý, Đền Đô đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet