Nhắc đến thời trang cao cấp, Chanel, Hermes hay Louis Vuitton... là những cái tên quen thuộc. Còn khi nói tới pha lê, hầu hết đều nhớ đến Swarovski - công ty chế tác đá quý lâu đời đến từ nước Áo. Trải qua hơn 120 năm với năm thế hệ tiếp nối, để trở thành một thương hiệu phổ biến toàn cầu và được mọi người dễ dàng nhận diện, swarovski đã không ngừng tạo nên nhiều điều đặc biệt với đẳng cấp vượt trội.
Công thức và quy trình chế tác pha lê Swarovski là điều kiện tiên quyết giúp hãng đảm bảo uy tín, hút khách dù giá thành cao.
Những người sành đá quý biết rằng các hạt pha lê swarovski dùng làm trang sức có tỷ lệ chì trong thành phần đến 32% (pha lê bình thường chỉ từ 6 - 10%). Điều này giúp các hạt pha lê đạt được độ trong suốt và độ sáng như kim cương, từ đó tối ưu hóa khả năng khúc xạ ánh sáng.
Không chỉ thế, để tạo ra loại pha lê nhiều màu, hãng sản xuất của Áo không cho nhuộm mà tráng bên ngoài mỗi viên đá bằng các hợp chất kim loại đặc biệt như Aurum (vàng kim), Dorado (vàng đồng), Glacier Blue (xanh cobalt), Heliotrope (bên ngoài nâu xám, bên trong xanh tím), Volcano (bên ngoài ánh bạc, bên trong đỏ tía)... Mỗi sản phẩm pha lê thường có hai lớp tráng nên có các ký hiệu như GB 2X, Dorado 2X... Chúng có màu không khác lắm so với hồng ngọc, lam ngọc hay ngọc lục bảo nhưng giá cả tiết kiệm hơn nhiều. Những đặc điểm này mang đến cho pha lê Swarovski sự khác biệt về chất lượng so với các thương hiệu khác.
Pha lê Swarovski trong suốt như kim cương, chuẩn xác trong từng đường cắt. |
Swarovski cũng tiên phong trong việc đưa máy cắt pha lê tự động bằng năng lượng thủy điện vào công đoạn sản xuất từ năm 1892. So với việc phải cắt pha lê thủ công trước đó, chiếc máy này được đánh giá là một cuộc cách mạng trong ngành đá quý khi cho ra đời những viên pha lê cao cấp, được cắt gọt chính xác và sắc sảo tới từng mm.
Với phương châm "Không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo", thương hiệu tạo nên sự khác biệt với những viên pha lê đa hình thù, kích thước, sắc màu nhưng hoàn toàn đồng nhất về đường cắt, độ sáng và độ trong suốt tuyệt đối. Tỷ lệ trộn nguyên liệu thô (đá thạch anh, cát và khoáng chất) với các thành phần kim loại bổ sung, cũng như chi tiết kỹ thuật của máy cắt được Swarovski đăng ký bảo hộ độc quyền và giữ kín như một bí mật thương hiệu cho đến ngày nay.
Việc nhận biết được pha lê Swarovski thật hay giả là một điều khó khăn, đôi khi không chỉ dựa vào mắt thường. Tuy nhiên, do tính chất cao cấp, người mua có thể thẩm định chất lượng một phần dựa vào mẫu mã, bao bì. Do làm bằng máy, mỗi viên pha lê Swarovski đều có thông số riêng về kích thước và đường cắt rõ ràng.
Những viên đá đồng nhất về đặc điểm sẽ được chứa chung trong hộp in logo của hãng và người mua có thể so sánh trực tiếp hai viên để đánh giá. Hàng giả được cắt và đánh bóng bằng tay sẽ không thể giống nhau y như đúc. Ngoài ra, nếu một chuyên viên nhìn thấy viên đá có đường xước, vết mờ đục hay có bóng khí bên trong, nhiều khả năng đó là pha lê giả.
Nhờ các thành tựu ưu việt trên, mọi hãng thời trang đều mong muốn đính lên thiết kế Couture cao cấp của mình những viên pha lê Swarovski đẳng cấp.
Những thiết kế đính pha lê Swarovski nằm trong bộ sưu tập Xuân Hè 1999 nổi tiếng của Alexander McQueen. |
Hợp tác với tên tuổi đình đám của làng mốt thế giới giúp Swarovski nâng cao giá trị và được mọi người biết đến rộng rãi.
Năm 1931, Swarovski trở nên quen thuộc với thị trường vải vóc cung ứng cho ngành thiết kế thời trang khi tung ra sản phẩm đặc trưng là vải đính đá pha lê đắt đỏ. Một mét vải gắn mác "Made with Swarovski Elements" có thể đội giá lên 200 USD nhưng vẫn rất hút hàng.
Đến đầu thập niên 1950, lần lượt nhà mốt nổi tiếng thời bấy giờ như Schiaparelli, Chanel ký kết hợp tác với hãng ở dòng trang sức và đặt riêng sản phẩm thời trang bằng pha lê theo thiết kế. Năm 1956, khi kết hợp cùng Christian Dior, Swarovski đã phát triển thành công lớp tráng pha lê mang hiệu ứng "Bắc cực quang" (Aurora Borealis effect) tạo nên hình ảnh bảy sắc cầu vồng lấp lánh trên sản phẩm giống kim cương.
Tuy nhiên, sự kiện đưa Swarovski đến với các ngôi sao thời trang Hollywood là buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 1999 của Alexander McQueen. Việc hợp tác giữa hai thương hiệu đã tạo ra những thiết kế ngực trần đính pha lê khêu gợi cùng mũ đội đầu độc đáo.
Kate Moss (trái) và Rihanna đều gây ấn tượng bằng những bộ váy pha lê Swarovski. |
Kể từ đó, rất nhiều nữ ngôi sao hàng đầu thế giới chọn trang sức Swarovski và trang phục đính pha lê của hãng trong các sự kiện truyền thông. Chiếc váy flapper mang hơi thở thập niên 1920 của siêu mẫu Kate Moss được đính khoảng 20.000 viên pha lê Swarovski và có giá lên 60.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng). Hay gần đây nhất là bộ váy lưới hở hang gây nhiều tai tiếng của Rihanna cũng được dát trên đó 230.000 viên pha lê của hãng.
Từ trang phục, túi xách cho đến giày dép, nước hoa..., người yêu thời trang dễ dàng bắt gặp các sản phẩm cao cấp khảm trên mình loại pha lê này. Tờ New York Times bình luận vào năm 2006: "Ngay cả những người không hiểu biết nhiều về pha lê, lẫn lộn giữa pha lê và hạt cườm thì họ vẫn biết rằng pha lê Swarovski có sự gắn bó chặt chẽ với thời trang".
Sao Mai
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet