Hiện tại thị trường có rất nhiều những dòng xe khác nhau để phục vụ người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn có những dòng xe được xếp vào dạng Huyền Thoại tại đất nước ta, vì ở thời điểm nào đi nữa chúng vẫn hot vẩn có giá trị từ kinh tế đến kỉ niệm.

Điểm mặt những dòng xe đạt danh hiệu Huyền Thoại ở Việt Nam

Honda 67 trước đây chủ yếu được nhập về miền Nam phục vụ cho tầng lớp thị dân sành điệu . (Ảnh: Honda67 Club)
Honda 67
SS50 hay Benly 50 chính là "con đẻ" của ông Soichiro Honda - người khai sinh ra hãng xe Honda. Dòng xe này bắt đầu được sản xuất tại Nhật Bản từ những năm 60 của Thế kỷ trước và được nhập khẩu rất nhiều về miền Nam Việt Nam trước năm 1975, chủ yếu phục vụ việc đi lại của tầng lớp thị dân.
Những chiếc SS50 phổ biến nhất thời bấy giờ được sản xuất vào năm 1967, do đó dòng xe này được người Việt hay gọi là Honda 67. Ngoài SS50 còn một số dòng khác là SS50E (sản xuất năm 1971) và SS50V (năm 1972),…
Với vẻ ngoài nam tính, khoẻ khoắn, có thể di chuyển được với vận tốc đến 90km/h, Honda 67 là mẫu xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam những năm 70. Honda 67 còn có mặt cả trong những bộ phim nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ.
Sau năm 1975, những chiếc Honda 67 bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở đất Bắc, chủ yếu được chuyển từ miền Nam ra dưới dạng xe máy cũ và tiếp tục tạo nên một cơn sốt âm ỉ đến ngày nay.
Chiếc xe thể hiện cho sự giàu sang trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn, gắn liền với hình ảnh những gia đình "có điều kiện". Suốt những năm sau đó, Honda 67 trở thành biểu tượng và mục tiêu hướng đến của những thanh niên trẻ tuổi.

Honda Cub 70 hay còn được gọi là "Đê đê" có giá trị bằng cả mảnh đất 100m2 ở thành phố thời những năm 80-90 của Thế kỷ trước. (Ảnh minh hoạ)
"Đê đê đỏ"
"DD- Đê đê" thuộc dòng xe Cub 70cc của Honda, ra đời khoảng giữa những năm 1980, sau dòng Cub 50. Sở dĩ gọi Cub 70 là "Đê đê đỏ" bởi màu chiếc xe được sơn đỏ tươi, kết hợp với yếm màu trắng khiến chiếc xe có ngoại hình rất bắt mắt.
Trong khi những chiếc xe máy ở thời điểm đó thường có màu đen hoặc xanh đậm, thì sự xuất hiện của những chiếc "Đê đê đỏ" này đã lập tức thu hút người dân thành phố, tạo nên một bước ngoặt trong nhận thức giá trị "chơi xe" tại Việt Nam thời kỳ sau bao cấp.
Khác hẳn với những chiếc Cub 50 sản xuất trước đó khi để giá inox "đèo hàng" ở phía sau, Cub 70 được thiết kế yên liền, đưa người ngồi sau (chủ yếu là nữ giới) lên một tầm cao mới, đến một quan hệ bình đẳng và trân trọng hơn. Do vậy, chiếc xe ngay lập tức trở nên "hot" với thế hệ người dân sành điệu phố thị.
Sự khác biệt của chiếc xe vào thời điểm đó không chỉ ở thiết kế mà còn bởi sự đắt đỏ của chiếc xe mang lại. Một chiếc "Đê đê đỏ" có thể bằng giá một mảnh đất 100m2 ở thành phố thời bấy giờ. Do vậy, những người sở hữu chiếc xe thời thượng này không chỉ là giới nhà giàu mà còn rất chịu chơi và chịu chi.

Simson S51 thường gắn liền với những người từng "đi Tây" về. (Ảnh: Hội Simson VN)
Simson S51 (Kích)
Xe máy Simson phiên bản S51 xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm cuối thập niên 70 đến 90 của Thế kỷ trước. Những chiếc xe chủ yếu được mang về bởi những người đi học tập và lao động từ Đông Đức. S51 còn được người Việt gọi với cái tên khá kêu là "xe Kích".
Xe Kích nổi tiếng với tiếng pô nổ giòn giã, tỏa ra làn khói trắng nghi ngút có mùi thơm tạo ra sự tò mò của người đi đường từng trở thành niềm mơ ước, tự hào của các "tay chơi mũ cối" thời bao cấp.
Dù so với dòng Honda Super Cub, xe Simson không đắt đỏ bằng nhưng lại khá khan hiếm và mức giá bán ra cũng lên đến cả một cây vàng, một khoản tài chính mà rõ ràng chỉ có nhà giàu Việt lúc bấy giờ mới sở hữu được.
Ngày nay, thương hiệu xe máy nổi tiếng và phổ biến của Đông Đức này đang dần chìm vào quên lãng. Đặc biệt, những chiếc Simson cổ hàng nguyên bản tồn tại đến bây giờ lại càng rất hiếm và được giới sưu tầm xe săn lùng.

Những chiếc Dream II nguyên zin hiện nay vẫn được nhiều người săn mua với giá đến cả trăm triệu đồng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Dream Thái "ba cục"
Honda Dream II là mẫu xe được nhập khẩu nguyên kiện (đóng vào 3 kiện hàng) từ Thái Lan về Việt Nam từ đầu những năm 90 nên hay được gọi là Dream Thái hay Dream "ba cục". Với động cơ 100cc mạnh mẽ, vẻ ngoài cao ráo, thiết kế nam tính, Dream II đã ngay lập tức tạo nên một cơn sốt, soán ngôi của các dòng xe Cub trước đó.
Dream II thời đó chính là một tài sản vô cùng lớn, có thể mua được hàng chục cây vàng và vài trăm mét đất, và đương nhiên là chỉ các "đại gia" mới có tiền để sắm. Chính vì vậy, xe Dream II suốt thời gian dài được coi như là một biểu tượng của sự giàu có, vương giả.
Dù vào khoảng cuối những năm 90, Dream II bị sự cạnh tranh của rất nhiều các thương hiệu xe máy khác, nhất là xe "nhái" từ Trung Quốc, Đài Loan,... nhưng Dream Thái vẫn luôn là cái tên "chất lừ". Một thanh niên tóc vuốt ngược, đi chiếc "Dream chiến tem lửa" trên đường phố chắc hẳn phải là một dân chơi thứ thiệt.
Thậm chí, dù Dream II đã dừng sản xuất tại Thái Lan từ lâu nhưng cho đến ngày nay, mẫu xe này vẫn được nhiều dân chơi săn lùng xe nguyên bản với giá lên tới cả trăm triệu đồng.
Theo tin: giadinh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet