Nội dung
Khi mắc bệnh, không tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid (dexamethasone) hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái, lá nha đam, xông lá trầu…

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào tháng 7, 8 hằng năm - thời điểm mưa lũ nhiều. So với những năm trước, dịch đau mắt đỏ năm nay xuất hiện muộn hơn nhưng tốc độ lây lan nhanh và trầm trọng hơn. Hiện tại, dịch vẫn chưa có xu hướng giảm mà ngày càng lan rộng trên cả nước.

Lây lan rất nhanh

Ngày 26-9, Bệnh viện (BV) Mắt TP HCM cho biết hiện số người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị đã tăng gấp đôi so với những ngày thường. Theo thống kê của BV này, trong tháng 8 có 1.123 lượt người đến khám mỗi ngày. Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc BV Mắt Hà Nội, cho biết số bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ những ngày gần đây tăng vọt, chiếm 50%-60% tổng số bệnh nhân khám các bệnh về mắt mỗi ngày. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều BV, phòng khám chuyên khoa mắt ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Theo bác sĩ Phạm Nguyên Huân, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt TP HCM, dịch đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, lây lan tương đối nhanh. Bệnh này do virus gây nên. 65%-90% nguyên nhân là do virus Adenovirus, ngoài ra có thể là virus Enterovirus.

Dịch đau mắt đỏ lan rộng

Khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Giới chuyên môn cho biết đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường hô hấp và dịch tiết nên dễ lan rộng. Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây lan nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Khi mới nhiễm virus, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế, thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Trưởng Khoa Kết, giác mạc BV Mắt trung ương, cho biết đau mắt đỏ biểu hiện ban đầu với các triệu chứng như cộm mắt, ngứa, có dử mắt. Phần lòng trắng đỏ dần, có thể đỏ toàn bộ mắt, mi mắt có thể sưng nề, đỏ. Bệnh nhân có thể thấy nước mắt chảy ra có màu hồng do các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết, thoát huyết tương. Bác sĩ Đông khuyến cáo: “Nguy cơ lây bệnh cao nhất là trong 1 tuần đầu khi người bệnh bị chảy nước mắt, có dử mắt, do đó với trẻ nhỏ nên cho trẻ nghỉ học để cách ly trong thời điểm này. Tuy vậy, vẫn phải giữ gìn vệ sinh để tránh nguy cơ lây lan cho các trẻ khác bởi ngay cả khi bệnh nhân chưa có triệu chứng rõ ràng hoặc đã khỏi bệnh vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần”. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người đau mắt đỏ nên nghỉ 5-7 ngày để tránh lây cho người khác.

Phòng bệnh

Theo các bác sĩ, hiện chưa có thuốc ngừa bệnh đau mắt đỏ, chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa chủ động. Bác sĩ Phạm Nguyên Huân cho biết bệnh đau mắt đỏ cũng có biến chứng nhưng thường rất ít xảy ra. Đó là biến chứng thâm nhiễm dưới biểu mô giác mạc, có thể kéo dài trong vài tháng, gây giảm thị lực, chói mắt khi ra nắng. Đa số người mắc bệnh đau mắt đỏ đều có thể tự khỏi bệnh. Do đó, với bệnh này, chỉ điều trị hỗ trợ, đem lại sự dễ chịu cho người bệnh và tránh lây lan. Không tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid (dexamethasone) hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái, lá nha đam, xông lá trầu… vì dễ gây biến chứng cho mắt.

Nhiều người cho rằng đeo kính sẽ tránh lây bệnh cho người khác nhưng thực tế không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Các bác sĩ cũng khẳng định việc nhìn nhau không lây bệnh mắt đỏ mà trung gian truyền bệnh là nước mắt, dử mắt của bệnh nhân do nước mắt có chứa virus. Virus lây khi bệnh nhân ho hoặc chảy nước mũi, qua những vật dụng, tiếp xúc như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, điện thoại, vòi rửa tay, qua nước bị nhiễm khuẩn như nước ở hồ bơi…

Các bác sĩ khuyến cáo người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh và nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hằng ngày. Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh, tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa. Ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng tuyệt đối không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. Nếu trẻ bị bệnh đau mắt đỏ nên để ở nhà, không đưa đến trường học hoặc nơi đông người.

 

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Cách dùng chất béo với bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong số những bệnh hay gặp của “thời hiện đại” và cuộc sống đô thị hóa.  Căn bệnh đó cũng liên quan rất mật thiết với chế độ ăn uống. Chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò đặc biệt.

Xem thêm  

Trúc Diễm khoe da trắng mịn màng

Chiều qua (10/11/2013) người đẹp Trúc Diễm đã góp mặt trong buổi tọa đàm về trò chơi giải trí trên thiết bị di động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trúc Diễm lựa chọn mẫu trang phục...

Xem thêm  

Viêm khớp ở trẻ em: Phát hiện muộn, dễ tàn phế

TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, hằng ngày chị tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh cơ xương khớp ở trẻ em do nguyên nhân khác nhau. Có những trẻ đến khám muộn nên để lại di chứng tàn phế.

Xem thêm  

Cách lựa chọn thực phẩm khôn ngoan

Để đảm bảo sức khoẻ, mỗi người cần phải biết chọn cho mình thức ăn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, điều kiện kinh tế, sở thích. Lựa chọn phù hợp Phù hợp với...

Xem thêm