Tại sao bạn đi?
Tôi ít khi tham gia vào những đoàn phượt có quá 10 thành viên, phần vì như vậy sẽ làm loãng mối quan hệ, phần vì tôi không thích một chuyến đi quá ồn ào và náo nhiệt. Nhiều bạn trẻ thường đưa ra những lý do rất hay để khởi đầu cho chuyến đi của mình: đi vì “hạnh phúc là con đường”, đi để chinh phục những giới hạn của con người, đi là để thêm yêu quê hương đất nước, phượt để kết hợp các hoạt động thiện nguyện quyên góp cho trẻ em vùng cao…
Còn tôi đi là để trốn tránh những mỏi mệt trong cuộc sống thường ngày của mình. Nghe thật chẳng có chút gì .. lý tưởng . Nhưng người ta có quyền gác lại hoạt động “cứu thế giới” sang một bên và sống ích kỷ cho riêng mình trong một vài ngày chứ?
Tôi hay rủ mấy người bạn hợp cạ để tạo thành một đội khoảng từ 6 đến 10 người trong mỗi chuyến đi. Chúng tôi không có những hoạt động vui vẻ như mặc đồng phục, cắm cờ đỏ sao vào đầu xe, dán miếng phản quang đuôi xe, và nối xe nhau thành một hàng dài, cùng đẩy tốc độ lên 80 – 90km/giờ trên đường quốc lộ. Tại các chặng nghỉ, chúng tôi cũng không tổ chức ăn uống nhậu nhẹt linh đình, đốt lửa nướng thịt, đánh guitar giao lưu đôi cặp với nhau, hoặc chụp ảnh mẫu xúng xính váy váo bên những ruộng hoa đặc trưng của miền sơn cước. Chúng tôi chỉ chạy xe, hút thuốc và tán gẫu cùng nhau, chụp ảnh, ăn cơm bụi hoặc bánh mỳ chấm sữa, uống café hay đi dạo vào thăm một làng bản nào đó.
Nếu vậy thì lấy gì để vui?
Chào mừng bạn đến với thú vui của những chú rùa chậm chạp trên đường phượt.
Chạy thật chậm trên những đoạn đường
Có thể do nhát gan nên tôi rất sợ khi thấy những cảnh vít ga bám đoàn, đổ đèo cắt côn, nghiêng xe ôm cua ngọt lịm như lưỡi dao men theo các vách núi. Bởi vậy chúng tôi thường chạy rất chậm, hay phải dừng dọc đường để co duỗi chân tay và giải quyết vấn đề của quả thận “già nua” của mình.
Thường thì chúng tôi lái xe theo đúng nghĩa đen của “mạnh ai nấy chạy”. Có nghĩa ai thích tốc độ cao thì cứ việc phóng, ai thích tuân thủ luật thì cứ 40km/giờ khu vực đông dân cư, 60km/giờ trên đường quốc lộ, ai thích thong dong chụp ảnh thì cứ thong dong. Các xe của đoàn tôi cứ xé lẻ ra, miễn là đến chặng dừng chân thì đỗ lại đợi nhau, nếu nhanh chậm thì cũng chỉ hơn kém 10 – 15 phút nên không việc gì phải cố mà bám đoàn cả. Vì vậy dù mang tiếng là chết nhát, nhưng chúng tôi đã không gặp sự cố nào nghiêm trọng liên quan đến vấn đề tốc độ. Mặt khác, do đi chậm mà chúng tôi có thể chụp được những cảnh đời thường mà các đoàn hay bỏ sót vì phóng quá nhanh. Cá nhân tôi nghĩ, nếu “không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”, thì thay vì cố phóng bạt mạng để về đích, tại sao ta không từ từ lăn bánh và “enjoy” chính con đường mà ta đang đi?
Pha cà phê và ngắm mặt trời lặn ở lưng chừng đèo
Khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn ngửi thấy mùi cà phê phảng phất giữa lưng chừng đèo. Cái hương thơm trầm đắng đặc trưng của cà phê, hòa quyện với mùi khói ráng ban chiều, mùi ngai ngái của cỏ ướt đang cháy lèo xèo bên dưới ấm đun làm tôi nhớ mãi. Đó cũng là lúc tôi đốt điếu thuốc đầu tiên trong đời mình. Điếu thuốc đó chẳng ngon lành gì, nhưng tôi không thể cưỡng lại cái thú vui dễ gây nghiện đó nhất là trong khoảnh khắc phiêu linh như thế này.
Đó là kỷ niệm về chuyến đi thác Bản Giốc cách đây ba năm. Hôm đó, chúng tôi quyết định sẽ trở về thị trấn muộn hơn các đoàn khác, chỉ để đun một bình cà phê và ngắm mặt trời lặn cuối ngày. Tôi bật bài “Mưa hồng” của Hồng Nhung qua chiếc loa mini và để chế độ replay. Chẳng một ai phản đối hoặc lên tiếng đòi chuyển bài. Có lẽ bài hát đó phù hợp với tâm trạng chung của mọi người.
“Người ngồi xuống, mây ngang đầu…”
Nếu nơi nào đó có mây ngang đầu, chắc hẳn phải là nơi đây.
Và chúng tôi cứ nằm dài lười nhác như vậy bên bãi cỏ, thưởng thức từng hớp cà phê trong những chiếc vỏ lavie được cắt đôi làm cốc uống, ngắm mặt trời đỏ ối đang chìm dần rất nhanh phía cuối chân mây. Trời tối dần và sương xuống mỗi lúc thêm nặng hạt. Có ai đó đã nói đó là mưa bụi, và cái ráng hồng của mặt trời đã tạo nên cơn “mưa hồng” giống trong bài hát của Trịnh Công Sơn. Dẫu biết người nhạc sĩ này viết bài hát cho một “em” nào đó của xứ Huế, nhưng khi nằm nghe nó ở đây, tôi thấy nó như được viết cho chính mình vậy. Thời gian như ngưng lại vào khoảnh khắc đó, tôi chỉ biết ngẩn ngơ và buột miệng:
“Mẹ nó chứ!”
Bạn đã bao giờ ngắm hoàng hôn trên núi, tách cà phê nóng trong tay, bên đống lửa lép bép cháy, dưới cơn mưa chiều và trong tiếng nhạc làm lắng đọng tâm hồn của mình chưa? Bạn sẽ không thể trải nhiệm điều đó nếu luôn ồn ào trong những chuyến đi phượt của mình. Hãy thử cảm nhận nỗi cô đơn ở lưng chừng núi một lần trong đời. Bởi đó là nỗi cô đơn lành mạnh, nó giúp ta nhận ra đâu là những phù phiếm và đâu là những vẻ đẹp đích thực mà ta cần theo đuổi.
Và còn rất nhiều điều nữa bạn có thể làm trong những chuyến đi: vào thăm nhà dân bản, khám phá một phong tục mới, một món ăn mới, hoặc chỉ đơn giản là lặng im ngồi ngắm rặng đá tai mèo, xung quanh chỉ có âm thanh duy nhất là tiếng lục lạc bò cũng là một thú vui…
Tôi không có ý định áp đặt cách tận hưởng chuyến đi của mình cho những người khác. Nếu thích, bạn hãy thử. Nếu không, bạn hãy bỏ qua và hãy tận hưởng theo cách của mình, nhưng hãy đi làm sao để khi trở về còn có gì để nhớ.
Bởi vì “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet