Đang ngủ rắn bò vào giường cắn
Chị Nguyễn Mai H. trú tại Mỹ Hào, Hưng Yên vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai sau khi bị rắn độc cắn. Con rắn cắn chị H. được xác định là rắn cạp nia.
Người nhà của chị H. cho biết tối 25/10 chị H. và chồng đang ngủ trong nhà thì rắn bò vào giường cắn chị H. Lúc bị rắn cắn là 3h sáng. Người nhà đã bắt được con rắn và gọi xe đưa chị H. đi viện nhưng đến 7h sáng ngày 26/11 chị H. mới tới bệnh viện Bạch Mai.
Khi nhập viện, chị H. có tổn thương là sụp mí mắt. Các bác sĩ đang theo dõi sát bệnh nhân H. để có biện pháp điều trị tích cực.
Các bác sĩ trong Trung tâm cho biết, Việt Nam không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên các bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng nhiễm độc của nọc rắn cạp nia. Vì vậy bệnh nhân cần theo dõi, nếu có triệu chứng gì sẽ có biện pháp điều trị cụ thể.
Nằm cạnh giường bệnh của chị H. là anh Mai Văn L. trú tại Tiền Hải, Thái Bình. Anh L. cho biết trưa ngày 12/11 sau khi đi làm về đến một đoạn mương, anh L. bị con rắn cạp nia cắn vào mắt cá chân.
Ngay sau đó, anh L. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình và được các bác sĩ tại đây đặt nội khí quản do bị liệt hô hấp do nọc rắn cạp nia ngấm vào cơ thể. Khi lên Bệnh viện Bạch Mai anh L. có triệu chứng liệt cơ, liệt hô hấp nên phải thở bằng máy thở. Sau 12 ngày sử dụng máy thở, đến nay sức khỏe của anh L. đang hồi phục dần, bệnh nhân đã tự thở và chờ rút ống nội khí quản.
Cháu Nguyễn Thị K. 16 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh bị rắn lục núi cắn một nốt ở mắt cá chân. Giọng thều thào, K. cho biết em bị một con gì cắn ở chân vào buổi tối. Gia đình đưa em vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển. Tại đây, bác sĩ chưa biết con gì cắn nhưng nghi bị rắn độc cắn nên chuyển em lên Bệnh viện Bạch Mai.
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán cháu K. bị rắn lục núi cắn. Hiện nay sức khỏe của cháu đang khá dần.
TS Nguyễn Kim Sơn đang chẩn đoán cho bệnh nhân.
Nọc độc của rắn ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó có đến 33 loài rắn có độc trong đó chia thành hai họ rắn: Họ rắn hổ (hổ mang chúa, hổ mang bành, cạp nong, cạp nia) và Họ rắn lục.
Trong đó, chỉ có rắn hổ mang bành và hổ mang chúa là tấn công người, còn lại các loại rắn khác chỉ cắn khi bị người dẫm phải hoặc trêu chọc nó. Nọc độc của rắn độc đi theo đường tĩnh mạch và bạch mạch đến các cơ quan trong cơ thể, không đi theo động mạch.
Đặc điểm của loài rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn không gây đau, vì thế người bệnh hầu như không biết bị cắn, hoặc có cảm giác chỉ như một vết xước. Tuy nhiên, nọc độc loài rắn này lại có thể gây liệt hô hấp, liệt cơ. Nếu có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia thì bệnh nhân chỉ cần điều trị 3-4 ngày là khỏi, song ở Việt Nam hiện chưa có nên phải điều trị nạn nhân bị rắn cạp nia cắn bằng máy thở kéo dài đến 4-5 tuần, dễ gây biến chứng viêm phổi, loét da, suy thận, nhiễm trùng bệnh viện, …. Chi phí điều trị khá tốn kém.
Còn rắn hổ mang bành cắn gây đau đớn, chảy máu, phù nề, hoại tử ngay tại chỗ cắn, bệnh nhân thường có biến chứng suy thận, loét những mảng da lớn. Rắn hổ mang chúa cắn gây rất đau đớn, phù nề nhưng không hoại tử, có thể gây liệt. Rắn lục thường gây chảy máu, tan máu, tổn thương tiêu cơ vân gây suy thận.
Nếu phát hiện được người bị rắn độc cắn phải cần phải sơ cứu ngay, rồi mới vận chuyển đến bệnh viện. Không để nạn nhân tự đi lại, vì vận động làm tăng tốc độ lan tỏa của nọc độc. Cần bất động chi bị cắn bằng nẹp, băng ép vết cắn nếu do một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, hổ mang thường) để làm chậm triệu chứng liệt.
Tuyệt đối không băng ép, bất động khi biết là rắn lục cắn vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ. Cần phải chuyển nạn nhân bằng phương tiện nhanh nhất đến cơ sở y tế gần nhất mà ở đó có máy thở hoặc ít nhất có bóng ambu. Nếu nạn nhân bị liệt thì phải khai thông đường hô hấp như đặt nạn nhân ở tư thế dễ thở, hút đờm dãi, hô hấp nhân tạo...
Không can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu. Không làm ga rô; không chích, rạch, châm, chọc tại vết cắn; không đắp các loại thuốc y học dân tộc, hóa chất lên vết cắn...
Không sử dụng “hòn đá” chữa rắn cắn, không chườm lạnh hoặc đốt vết cắn. Ở cơ sở y tế cần khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để trung hòa nọc độc càng sớm càng tốt.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet