Bố mẹ nghỉ làm vì con ốm liên miên
Đã hơn 1 tuần nay, chị Vũ Bích Ngọc (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải xin nghỉ làm ở nhà trông con. Bé lớn 4 tuổi, ho, sốt, sổ mũi, chẳng chịu ăn uống gì, mà cứ ăn vào lại nôn. “Đứa lớn mới đỡ được một chút thì lại lây sang cho đứa bé mới 2 tuổi. Hai vợ chồng cứ quanh ra quẩn vào với con, chẳng làm được việc gì. Năm nào các cháu cũng vài bận như thế này, vừa lo lắng vừa mệt mỏi.
Thời tiết thất thường ngày nóng, chiều lại lạnh, đến người lớn còn khó chịu chứ chưa nói đến trẻ con" - chị Ngọc nói.
Trẻ nhỏ bị viêm hô hấp điều trị trong bệnh viện Bạch Mai.
Trường hợp nhà chị Bùi Hải Hà trú tại Văn Khê, Hà Đông cũng tương tự. Con gái 19 tháng tuổi của chị Hà nhiều ngay nay nhiệt độ lúc nào cũng trên 38 độ C kèm theo sốt và chảy nước mũi. Đến ngày cuối tuần, anh chị chuẩn bị đưa con đi gặp bác sĩ thì cháu cứ lả dần rồi khó thở. Vợ chồng chị Hà đưa thẳng con vào viện Nhi cấp cứu. Khi vào đến nơi bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản chạy vào viêm phổi.
Thời tiết chuyển mùa, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày nào cũng đón nhận nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, trong đó chủ yếu là viêm đường hô hấp trên.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng tương tự. Chị Vũ Thu Trang đưa con vào viện trong lòng lo lắng không yên. Con chị Trang đẻ thiếu tháng, đến nay cháu bé vẫn đi khám tại bệnh viện định kỳ mỗi tháng một lần. Ba ngày nay cháu nhập viện vì viêm hô hấp khiến vợ chồng chị mất ăn, mất ngủ.
Mỗi khi giao chuyển, sức khỏe của con trẻ là nỗi lo của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, các bác sĩ đều cho rằng bệnh khá phổ biến nhưng ít bậc phụ huynh có kiến thức nên để bệnh nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện.
Chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp như nào?
TS.BS Lê Thị Hồng Hanh, phó trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh viêm đường hô hấp là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở.
Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại, tùy thuộc vào vị trí tổn thương. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi - họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Theo BS Hanh, thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng. Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày.
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet