Phong cách dân chơi xe độ
Tự “Thanh Đa” là một tên tuổi trong giới “độ xe” cả nước. Thậm chí, chiếc xe mô tô naked-bike Honda CB750F đời 1981 của gara Tự “Thanh Đa” còn được giới độ xe ở châu Âu rất ngưỡng mộ. Anh Vi Tự, ông chủ gara tự thanh đa tâm sự: "Vẫn biết pháp luật không cho phép độ xe nhưng chỉ có thể nói rằng, đó là sự đam mê.
- Giới độ xe Tây choáng váng với xe độ Việt
Xưởng độ xe của anh Tự “Thanh Đa”
“Ở các nước trên thế giới, việc độ xe được cho phép nhưng cơ quan quản lý sẽ kiểm tra an toàn kỹ thuật thông qua hệ thống đăng kiểm, nếu đạt yêu cầu mới cho chạy. Việc kiểm soát này là cần thiết để ngăn chặn những chiếc xế độ không đúng yêu cầu kỹ thuật, có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, anh Tự “Thanh Đa” tâm sự.
Không chỉ dân chơi xe chuyên nghiệp, nhiều bạn trẻ khi sắm xe phân khối lớn cũng muốn tạo cho chiếc xe của mình một phong cách riêng. Tại xưởng bảo dưỡng xe phân khối lớn Xuân Hưởng (số 540 đường Láng, Hà Nội) có đến 4 chiếc xe phân khối lớn đang xếp hàng chờ được “phẫu thuật thẩm mỹ”. Chủ nhân chiếc xe Honda phân khối lớn BKS 29A1 đang đợi thay bộ vành và lốp để tạo độ khủng, tâm sự: “Đi dòng xe này không ít thì nhiều ai cũng muốn gia cố thêm cái gì đó để tạo dấu ấn riêng. Có đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn hay không thì cũng khó đánh giá...”.
Những hệ lụy khi độ xe
Theo Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội cảnh sát giao thông số 1 (Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội), việc xử lý hành vi độ xe thường phải căn cứ vào thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Đây là một khó khăn đối với lực lượng cảnh sát giao thông bởi trong quá trình kiểm tra rất khó để biết được thiết kế ban đầu và chiếc xe đã bị thay đổi kết cấu như thế nào. Tuy nhiên, có một số hành vi dễ phát hiện, xử lý hơn như: Thay đổi màu sơn, bóng đèn, đặc biệt là việc thay đổi vị trí, kích thước, màu sắc của biển kiểm soát, hệ thống phanh… Những lỗi này áp theo luật sẽ bị xử phạt ở mức 200.000 đồng. Nếu phát hiện mô tô, xe máy thay đổi kết cấu tổng thành thì sẽ phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Đối với ô tô, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào sổ đăng kiểm của phương tiện để kiểm tra và phát hiện những chi tiết mà chủ xe độ thêm.
Không chỉ bị cảnh sát giao thông xử phạt, những chiếc xe mua mới còn có thể bị từ chối bảo hành nếu đã “độ” khác thiết kế ban đầu. Anh Phạm Văn Hùng, cửa hàng trưởng cửa hàng Honda trên đường Nguyễn Tam Trinh (Hà Nội) cho biết: “Theo dõi các xe quay lại để bảo trì cho thấy, có khoảng 20% số xe sau khi được bán đã được chủ nhân thay đổi về hình thức, nội thất như: Màu sơn, gương, ốp ống pô, lọc gió, thay đèn trước bằng đèn xenon... Trong số đó có khoảng 5% số phương tiện có những thay đổi về kết cấu, tổng thành phương tiện có thể gây nguy hiểm đến an toàn giao thông. Hiện Air Blade đang là loại xe được độ nhiều nhất”.
“Chúng tôi luôn khuyến cáo khách hàng không nên tự ý thay đổi thiết kế cũng như lắp đặt thêm những phụ kiện bởi về nguyên tắc, nếu lắp thêm hoặc thay đổi các thiết bị này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến yếu tố an toàn vì tổng thể của phương tiện đã bị thay đổi. Nguy hiểm nhất là khi lắp đèn pha xenon có thể làm chói mắt người đi xe ngược chiều, dễ gây tai nạn", anh Hùng nói. Cũng theo anh Hùng, không chỉ Honda mà các hãng khác cũng từ chối bảo hành cho các xe độ đã thay đổi màu sơn, kết cấu xe, thiết kế.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet