moi còn có tên khác là ruốc, miền Trung thường gọi là con khuyết, sống ở biển. Moi có hình dạng giống tôm nhưng nhỏ và mỏng, to hơn que tăm một chút. Chúng chỉ xuất hiện vào thời điểm cuối thu, đầu đông và khá dễ dàng để đánh bắt. Giá cho mỗi cân moi tươi khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Moi được bán nhiều ở các khu chợ ở Nga Sơn hay những hàng rong trên đường.
Trước khi chế biến moi được rửa sạch với nước. Để moi không bị nát người dân ở đây thả vào rá, xả một chậu nước đầy rồi lắc tròn. Rửa đến khi nước trong thì vớt ra, để ráo rồi mang ra chế biến. Nếu kỹ hơn, có thể mang đồ giống như xôi để moi khô và giữ được lâu hơn.
Moi nhỏ, mang vị đậm đà của nước biển nhưng lại hơi kén trong việc kết hợp với các gia vị khác. Người dân ở đây thường chỉ chế biến món moi xào kẹp khế, nấu canh và làm mắm.
Moi xào kẹp khế
Ngoài khế chua, moi xào có thể ăn cùng với bánh đa nướng. Ảnh: Ngọc Thanh. |
Món được người dân ở đây ưa chuộng nhất vẫn là moi xào kẹp khế. Cho dầu vào chảo, phi hành khô thơm lên rồi bỏ moi vào, thêm một chút gia vị. Khi moi chuyển sang màu trắng đục thì thả hành lá vào, mang ra dùng với khế chua thái mỏng.
Vị ngọt dần dần thấm vào đầu lưỡi, và vị chua của khế biến mất là những trải nghiệm ấn tượng của nhiều thực khách khi lần đầu thưởng thức. Moi xào kẹp khế là món khoái khẩu của nhiều người và có thể ăn no.
Canh moi
Chỉ cần xào một nhúm moi tươi cùng khế và cà chua, đổ một lượng nước vừa đủ ăn, nêm thêm chút gia vị. Đến khi sôi, nhấc nồi canh ra và thả vào đó một chút hành lá thái nhỏ là đã có một bát canh ngọt thanh, mát lành cho bữa cơm gia đình.
Ngoài nấu với khế chua, moi còn được nấu với mướp, bầu hay rau đay…Ảnh: Ngọc Thanh. |
Mắm moi
Moi để làm mắm là loại moi tươi, sau khi rửa phải để ráo nước. Để mắm ngon và thơm thì người dân ở đây chọn loại bình làm bằng đất nung. Cứ một cân moi, người dân sẽ trộn cùng với hai lạng muối và hai lạng thính. Rải một lớp moi ở dưới đáy, cho muối và thính vào, trộn nhẹ tay để moi không bị nát.
Cuối cùng dùng một mảnh vải màn bịt lên trên miệng vại để tránh ruồi, bọ hay bụi bặm bay vào, đồng thời cũng để cho khí trong vại thoát ra, gây chua và mắm sẽ thơm hơn. Sau khi muối xong mang phơi nắng khoảng hai tháng là có thể ăn được. Mỗi ngày người dân sẽ mang mắm ra quấy đều lên để moi không bị nổi.
mắm moi có thể chưng với hành mỡ rồi chan cơm ăn, chấm thịt luộc hay chưng cùng với thịt lợn băm nhỏ. Ảnh: Ngọc Thanh. |
Xem thêm: 5 món rươi ngon cho ngày đông ở Hà Nội
Phạm Trang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet