Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 3 tuần trước bé Nguyễn Minh H (Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở rất nặng và được điều trị bằng thuốc giãn phế quản. Mới ra viện được 5 ngày thì đến 6/3, trẻ lại tiếp tục đến cấp cứu trong tình trạng nặng hơn, nhịp tim nhanh, kích thích, vật vã sau đó li bì. Tiền sử gia đình không có ai bị dị ứng hay hen phế quản.
Trẻ được chẩn đoán bị hen phế quản cấp rất nặng. Trước đó, bé chưa có đợt ho, khò khè nào. Bệnh nhi được điều trị tích cực, khí dung, kết hợp các loại thuốc tuy nhiên tình trạng vẫn không cải thiện, co thắt phế quản nhiều, thở kiệt sức. Cuối cùng các bác sĩ quyết định đặt nội khí quản cho thở máy và kết hợp các thuốc khác điều trị hen. Đến ngày 12/3, tình trạng bệnh dần cải thiện, trẻ được cai máy thở.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, những trường hợp trẻ nhỏ bị hen khoa vẫn gặp nhưng diễn biến bệnh thường nhẹ và chữa dễ hơn.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, những trường hợp trẻ nhỏ bị hen khoa vẫn gặp nhưng diễn biến bệnh thường nhẹ và chữa dễ hơn. Trường hợp này bệnh rất nặng, việc cứu chữa cũng khó hơn rất nhiều. Thường trẻ lớn chỉ cần thở máy 1-2 ngày, thậm chí 3 ngày là đã ổn, trong khi bé này phải thở máy đến 6 ngày. Các biểu hiện lên cơn hen cấp ở trẻ cũng giống như người lớn, tuy nhiên trẻ kiệt sức rất nhanh, thời gian chữa cũng lâu hơn.
Theo ông, nguyên nhân khởi phát cơn hen ở bé Như có thể do bụi vải, gia đình có nghề làm may ở nhà. Vì thế, khi ra viện cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với vải vóc ở nhà, đặc biệt là phải xịt thuốc dự phòng hen.
PGS Dũng cho rằng chẩn đoán hen ở trẻ dưới 2 tuổi rất khó. Đối với trẻ dưới một tuổi lại càng khó hơn, dễ chẩn đoán nhầm sang viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Nếu đúng là hen thì khi dùng thuốc giãn phế quản, trẻ sẽ có đáp ứng rất tốt. Hen phế quản là bệnh mãn tính của đường hô hấp gây ra hiện tượng tăng phản ứng phế quản. Nó thường có các đợt khò khè, thở ngắn hơi, nặng ngực và ho tái phát đặc biệt về đêm và sáng.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần đăng ký kiểm soát hen lâu dài cho bé tại một một cơ sở chuyên khoa (ít nhất là 18 tháng). Trong thời gian này, dù con không bị lên cơn hen thì vẫn phải được khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy con có vẻ đỡ thì không đưa con tới khám nữa.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet