Ly hôn, đó là quyết định không hề dễ dàng với bất cứ cặp vợ chồng nào, nhất là khi giữa họ còn có những đứa con. Thông thường, nếu không có sự kiện đặc biệt, đứa con thường được tòa phân xử sống chung với mẹ, người cha có trách nhiệm chu cấp cho con hàng tháng đến khi đứa trẻ tròn 18 tuổi. Đó cũng là lẽ thường tình vì người mẹ thường chăm sóc con cái chu đáo hơn người cha. Tuy nhiên, xung quanh chuyện chu cấp cho con sau ly hôn, chuyện người mẹ phải tự thân vận động nuôi con sau ly hôn ngày càng nhiều bởi chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những người làm cha.
Muôn kiểu “né” trách nhiệm chu cấp nuôi con của các ông bố
T (Quảng Ninh) kết hôn với Th (Hà Nội) sau hai năm yêu nhau. Đám cưới là kết quả của tình yêu tự nguyện được cả hai gia đình ủng hộ. Nhưng chỉ hai năm sau ngày cưới, nhất là khi từ ngày có một cô con gái, T quá mệt mỏi với thói ki bo “đếm củ dưa hành, đo lọ nước mắm” của Th. Mọi chi tiêu trong nhà, Th đều đòi quyền tay hòm chìa khóa. Nếu T tự ý mua sắm bất cứ thứ gì, dù là tiền của T tự kiếm được thì ngay lập tức, nhẹ là mắng mỏ chì chiết, nặng là bị Th đánh đập. Không những thế, Th còn có đi rêu rao với bạn bè hai người T là phụ nữ nhưng tiêu xài hoang phí, bỏ bê chuyện gia đình. Bạn bè cũng ngán ngẩm với lối “ăn cắp la làng” của Th nên khuyên T nên thoát khỏi cuộc hôn nhân mệt mỏi. Sau nhiều lần quyết tâm không hòa giải, T đã được Tòa án chấp thuận ly hôn.
Nghĩ đến việc tranh cãi qua lại giữa tòa chỉ vì 1,5 triệu hay hộp sữa, T đành chấp nhận, dù biết việc con gái thường xuyên nhận sữa của chồng cũ chu cấp là không thể (Ảnh minh họa).
Ngày tòa phán quyết quyền nuôi con thuộc về T, Th có trách nhiệm chu cấp tiền cho con gái với mức 1,5 triệu đồng/tháng, Th nhất mực từ chối. Th đưa ra lý lẽ, tiền hàng tháng đưa cho T không tin rằng T dùng nó để chăm sóc con gái, Th đề nghị hàng tháng sẽ chu cấp cho con bằng hiện vật là… sữa. Ban đầu T không đồng ý, nhưng Th có vẻ như không có ý định rút lại đề nghị. Nghĩ đến việc tranh cãi qua lại giữa tòa chỉ vì 1,5 triệu hay hộp sữa, T đành chấp nhận, dù biết việc con gái thường xuyên nhận sữa của chồng cũ chu cấp là không thể.
Quả nhiên, hậu ly hôn, mỗi lần T đề cập đến chuyện đóng góp, Th dửng dưng lý sự: “Một tháng một đứa trẻ đâu uống được hết nhiều sữa thế, cô đem sữa của con đi đâu để ép tôi chu cấp nhiều cho cô”. Ngán ngẩm, T cũng không nhắc nữa, Th cũng nhân đó quên luôn chuyện gửi sữa cho con gái.
Không chọn cách chu cấp sữa như Th, H (Bắc Giang) sau khi ly hôn với vợ là M.A, bề ngoài chấp thuận quy định đóng góp của Toàn án nhưng cũng tìm đủ “chiêu” để khiến M.A phải nản lòng mỗi khi nhắc H chu cấp cho con. Ngay sau khi ly hôn, H đưa ra thỏa thuận ngầm giữa hai người. Theo đó, để nhận tiền đóng góp, M.A phải giải trình rõ từng khoản chi cho con kèm hóa đơn, nhưng không hóa đơn nào được quá 200 nghìn, nếu khoản nào H chưa rõ, M.A phải giải thích đến khi H cho là thỏa đáng.
Ngặt nỗi, để H cảm thấy thỏa đáng, M.A phải năm lần bảy lượt giải thích như làm việc với cơ quan thuế khiến cô cảm thấy tự ái. Nhưng có vẻ đó đúng là mục đích mà H muốn đạt được. Dần dần, quá chán nản với việc lưu giữ bất cứ hóa đơn nào khi đi mua hàng, M.A đề nghị H có thể giảm bớt tiền đóng góp để không phải chịu sự tra cứu hóa đơn từ H. H mừng ra mặt, có đợt 3 tháng mới gửi tiền cho M.A nhưng vẫn đi thanh minh với bạn bè rằng M.A không thiện chí, cố tình chia rẽ hai bố con H.
Sự đơn độc của những bà mẹ nuôi con một mình
Trường hợp của T hay M.A ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội hiện nay do sự vô trách nhiệm của những người đàn ông sau ly hôn. Dường như với những ông chồng, họ coi việc chăm con là bổn phận đương nhiên phải làm của phụ nữ. Không ít người ngoài việc thỉnh thoảng đưa đón con đi chơi thì trách nhiệm kinh tế họ đều thoái thác cho vợ cũ. Chiêu bài chủ yếu các ông chồng sử dụng là tạo tâm lý ức chế, thử thách lòng kiên nhẫn của vợ cũ. Những chị em độc lập về kinh tế thường rất khó chịu, thậm chí là từ chối nhận đóng góp của chồng cũ để “nhẹ nợ” dẫn đến việc đàn ông sau ly hôn thường rũ bỏ dần dần trách nhiệm nuôi con. Về lâu dài, người chịu thiệt thòi vẫn là chị em khi phải một mình trang trải mọi khoản chi phí trong việc nuôi con.
Biết rằng đóng góp tiền nuôi con là câu chuyện của sự ý thức, tuy nhiên, sau khi ly hôn, ý thức và trách nhiệm đối với vợ cũ và với người con không còn sống chung nhà của nhiều ông chồng còn rất kém. Phụ nữ đơn thân gần như cô độc trong “cuộc chiến” giành quyền lợi về vật chất cho những đứa con chung sau ly hôn. Những câu chuyện của T hay của M.A thực sự là những câu chuyện buồn về sự đơn độc của phụ nữ nhọc nhằn nuôi con hậu ly hôn.
beforeAfter('.before-after');Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet