Tàu cá tấp nập trên biển Hạ Long
Đường bao biển bắt đầu từ Bến Đoan
Bạn ngỡ ngàng khi chúng tôi bắt đầu xuất phát từ phường Bến Đoan. Men theo đường biển, cung đường bao biển sẽ kéo dài qua công viên Hạ Long, Cột 3, Cột 5, Cột 8.
“Như vậy, chỉ trong một buổi sáng, bạn sẽ được ngắm cả lá anh đào xanh mướt bên công viên Hạ Long, xem đò chở cá vào bến chợ và xem ngư dân biển Cột 5 phơi cá, mực khô dưới nắng”, lời mời chào hấp dẫn cho một sớm giữa thu nắng vàng như rót mật.
Những cung đường uốn lượn, một bên núi đá, một bên biển xanh
Trước đây, tôi chỉ phóng xe máy vùn vụt qua con đường này. Cảm giác về sự hùng vĩ của biển trời quê hương may chăng còn sót lại qua những ngọn gió vun vút trước đầu xe. Vị mặn mòi, tanh nồng của xứ biển chưa kịp đến khứu giác đã bị những suy nghĩ vẩn vơ cuốn trôi. Cho đến ngày tôi lang thang đường bao biển trên chiếc xe đạp, chậm rãi để nắng, gió chạm vào xúc giác.
Nét duyên dáng của cung đường nằm trên hai cây cầu ôm sát chân núi Bài Thơ mang luôn cái tên uyển chuyển của ngọn núi đá sừng sững, cầu Bài Thơ 1, cầu Bài Thơ 2.
Từ cầu Bài Thơ 1 có thể thấy những con thuyền đang kéo lưới
Chợ Hạ Long trung tâm thành phố nhìn từ cầu Bài Thơ 2
Từ cầu Bài Thơ 2 nhìn xuống, bạn bảo thấy náo nức lây với nhịp sống hối hả của ngư dân trên những chiếc thuyền đậu tấp nập trước bến cá chợ Hạ Long. Thuyền nhỏ đưa cá từ các tàu lớn vào bến chợ rồi chở ra đủ mắm, muối, gạo, nước ngọt phục vụ cho đời sống các ngư dân trên tàu lớn.
Đường bao biển đi qua khu vực Cột 5 đánh dấu bằng những rặng dừa xanh mướt. Tại đây, bức tranh thành phố chia làm những mảng màu đa sắc. Một bên là những căn biệt thự, những quán cà phê, nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố. Một bên là bến cá với tấp nập tàu bè.
Cư dân biển Cột 5 sống dựa vào bến cá của thành phố, không giấy khai sinh, không hộ khẩu, có thể nay là vùng biển này nhưng đến ngày mai, con thuyền che chở cả gia đình họ lại trôi dạt về một vùng trời khác.
Bến cá trước chợ Hạ Long tấp nập mỗi sáng
Bên kè đá, những người đàn ông giải trí với những chiếc cần câu
Trong xào xạc gió, những cụ già khâu lưới trên vùng nước cạn. Phụ nữ chèo đò chờ khách trên những con thuyền con. Trẻ con ríu rít phụ cha mẹ thổi cơm, khói bếp chao giữa bao la. Cá phơi khô rải trắng bờ kè đá.
Nước trong veo. Những cánh chim bay từ mái thuyền nhà này sang đỉnh núi đá cao giữa biển khơi. Đâu đó ê a tiếng một em bé hát theo giọng bé Xuân Mai từ đĩa nhạc tự thuở nào...
Đường bao biển đi qua quảng trường cột 3, nơi có Bảo tàng và Thư viện quảng ninh đồ sộ, công trình được đầu tư trên 900 tỉ đồng mới khai trương ngày 13.10.2013
Một ngư dân về thuyền sau phiên chợ cá buổi sớm, trên tay là bó củi vừa xin được dành nấu cơm trưa
Người đàn ông xách nước từ bến cá Cột 5 về nhà hàng hải sản phía bên kia đường
Một con đò chờ khách trên bến cá
Hai cô bé sống trên bến cá Cột 5 từ nhỏ, các em chỉ lên bờ lúc đi học và mua đồ gia dụng lúc cần
Cùng một dải đất cong cong, cùng một cung đường bao quanh thành phố với phi lao, dừa xanh, nắng vàng, chỉ vài km, bạn và tôi thấy những diện mạo khác nhau của thành phố biển Hạ Long.
Từ những quán cà phê bên dải dất này, bạn cũng có thể ngắm Hạ Long, nhưng đó là một Hạ Long sau một lớp kính trong suốt, trong ngọn gió mát rượi của điều hòa và tiếng nhạc du dương của bản tình ca...
Ngư dân trên xóm chài phơi cá dưới nắng trưa
Bức tranh bến cá trong nắng thu
Khám phá đường bao biển thú vị nhất bằng xe đạp
Đường bao biển Hạ Long được nhiều đôi bạn trẻ chọn là địa điểm ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc
Nhưng thành phố này không giản đơn đến thế. Dành ra một buổi sáng thăm đường bao biển với xe đạp, bạn sẽ thấy một Hạ Long trong mùi muối mặn, có âm thanh của sóng biển và nhịp thở từ bến cá, con thuyền, tiếng í ới người ta gọi đò trong nắng gắt, cả tiếng khua mái chèo của một cụ bà đã bước sang tuổi 70.
Bạn tôi gọi, đó là hành trình đi tìm một Hạ Long đang sống...
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet