Con gái cũng có thể lập bàn thờ bố mẹ đẻ tại nhà chồng. Ảnh: T.G
Nỗi niềm của những người vợ
Sáng ra tới cơ quan, thấy chị Lê Thị Hoa (ở Thụy Khuê, Hà Nội) đỏ hoe mắt, mọi người xúm vào trêu chắc đêm qua cãi nhau với chồng. Chị Hoa bùi ngùi chia sẻ: “Bố mẹ em sinh được hai con gái, chị đã lấy chồng xa, em cũng lấy chồng được mấy tháng. Mẹ em đang khỏe mà hôm qua về tự nhiên nói: “Sau này bố mẹ chết thì ai thờ cúng bố mẹ nhỉ?”. Em bảo: “Là hai chị em con”. Nhưng mẹ rơm rớm nước mắt bảo, phong tục ta từ xưa đều nói con gái không được thờ bố mẹ đẻ, nếu cố tình thờ cúng thì thần linh, gia tiên nhà chồng cũng không cho vào hưởng lễ”.
Thế là các chị đua nhau kể về nỗi niềm con gái không được thờ cúng bố mẹ đẻ. Bức xúc nhất là chị Hòa, bố là thương binh, mẹ là thanh niên xung phong mãi mới sinh được chị. Nhà nghèo nên bố mẹ thường nhịn ăn nhường cơm cho con ăn học, trưởng thành, lấy chồng có cuộc sống đầm ấm. Nhưng chưa kịp bù đắp công ơn sinh thành thì bố mẹ đã mất hết. Sau khi cưới, vợ chồng dồn tiền mua nhà riêng, chị Hòa vui mừng về nhà mới và chuẩn bị đưa bài vị bố mẹ về thờ cúng cho tròn chữ hiếu thì mẹ chồng biết chuyện. Bà mắng, cấm tiệt chị không được thờ bố mẹ đẻ ở nhà mình và chồng chị cũng… nghe theo. Thế là chị không được thờ cúng bố mẹ đẻ trong nhà mình, phải nhờ dì ruột ở quê tới nhà bố mẹ đẻ ở để thay chị hương khói. Từ đó, chị không thấy yêu gia đình chồng, chồng như trước và mỗi khi có việc thờ cúng, chị lại ngấm ngầm xót thương bố mẹ đẻ.
Bởi thế, có những chị em dù nghèo cũng quyết không bán nhà của bố mẹ đẻ, mà chịu nghèo để giữ chỗ giỗ chạp, lễ Tết tất cả con cháu về làm giỗ ông bà.
Ngược lại với các chị Hoa, Hòa, chị Bình là chị cả (nhà có hai chị em gái) thì phấn khởi chia sẻ: “Mình tuy ở chung với bố mẹ chồng nhưng ông bà rất thoải mái trong chuyện thờ cúng, nên khi mình đặt vấn đề mang linh vị bố mẹ đẻ về thờ cúng thì ông bà vui vẻ đồng ý. Từ đấy mỗi khi đến ngày giỗ của bố mẹ, mình sắp xếp mua sắm mọi thứ đủ cả hai bên bàn thờ nhà chồng và bố mẹ mình, vì vậy ông bà không chê trách điều gì”.
Trai gái không quan trọng
Theo Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu Phật học), con cháu thờ cúng ông bà, cha mẹ là việc hiếu nghĩa, đúng đạo lý. Tùy từng hoàn cảnh mà lập không gian thờ cúng để ngày giỗ, lễ Tết con cháu tề tựu thắp hương tưởng nhớ người đã mất. Việc phân chia trai gái chỉ mang tính tương đối, chỉ con cái không thờ cúng bố mẹ mới là trái đạo lý, trái văn hóa.
Với đồng bào Tày, thầy cúng Tày Lương Huy Ngò (ở TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) cho hay, người Tày muốn thờ cúng bố mẹ vợ thường lập hai bàn thờ: Một bàn thờ lớn, rộng ngự giữa phòng khách, một bàn thờ nhỏ hơn hơi lùi xuống sau bàn thờ chính. Bàn thờ lớn ở ngoài là thờ thần linh gia tiên nhà chồng. Còn bàn thờ nhỏ phía trong là thờ bố mẹ, gia tiên bên vợ. Cách thờ cúng này dùng cho các nhà không có con trai lo chuyện thờ cúng hoặc nhà sinh con gái một bề, hoặc người chồng muốn bày tỏ lòng hiếu kính, tôn trọng bố mẹ vợ thì đặt bàn thờ như vậy.
Thầy mo - thầy cúng Ly Chí Sùng (ở Sủng Là, Hà Giang) cho hay, phong tục người Mông cũng lập bàn thờ bố mẹ vợ trong nhà. Họ dành riêng một chỗ ở bên cạnh nhưng lùi xuống một chút so với bàn thờ gia tiên nhà chồng. Như thế, phụ nữ sẽ được hương khói thường xuyên cho bố mẹ đẻ, không lo bố mẹ đẻ và gia tiên nhà mình lạnh lẽo.
Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, khúc mắc hiện nay của xã hội là nhiều gia đình chỉ có con gái, phận làm con ai cũng muốn thể hiện sự biết ơn, kính trọng tưởng nhớ bố mẹ đẻ, gia tiên là đạo lý. Con gái vẫn được phép thờ cúng gia tiên nhà mình, việc cấm đoán như một số gia đình đã làm mang nặng tính phong kiến, lạc hậu.
Nếu nhà có không gian thì làm hai bàn thờ. Một là bàn thờ gia tiên nhà chồng. Bàn thờ nhà vợ cần đặt ở chỗ khác, không nên đặt phía trước bàn thờ chính.
Với nhà đô thị chật hẹp, chỉ có thể làm được một bàn thờ thì hãy chia bàn thờ hai bên: Bên trái để bát hương, ảnh nội tộc, bên phải để bát hương, ảnh ngoại tộc. Ảnh không nên phóng quá to, mà vừa phải để đặt gọn ở bên trái, hay bên phải. Còn phần giữa bàn thờ không nên đặt ảnh gia tiên, bởi đó là vị trí của quan thần linh, đặt ảnh gia tiên vào là phạm kị. Khi cúng khấn thì khấn gia tiên (nhà chồng) sau đến dòng họ (vợ), rồi khấn tới bố mẹ chồng, khấn đến bố mẹ vợ. “Ngày giỗ bố mẹ đẻ, cần thắp hương cả bàn thờ nhà chồng, cần cáo quan thần linh, gia tiên nhà chồng để được cúng lễ bố mẹ đẻ”, ông Hà Thanh, Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người đưa ra quan điểm.
Theo quan niệm của một số nhà văn hóa dân gian thì mọi tập tục, nghi lễ chỉ là do con người nghĩ ra, nam và nữ đều có quyền bình đẳng như nhau về mọi chuyện trong đó có cả vấn đề thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Chúng ta cần truyền thông để vấn đề trọng nam, khinh nữ không còn tồn tại xã hội ngày nay.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet