Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng đất có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như Long Khánh (Đồng Nai), đặc biệt là trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, nên từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung đã được tiếp xúc nhiều với cỏ cây hoa lá và luôn ước ao có một mảnh vườn của riêng mình. Nhưng mãi tới khi kết hôn và định cư tại Nhật Bản, chị mới có cơ hội để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Chị Ngọc Dung cho biết, gia đình chồng chị tuy sống ở thành phố nhưng lại có một khu vườn rất rộng ngay giữa thành phố. Và, bố mẹ chồng đã cho vợ chồng chị khu vườn này.
Mẹ một con chia sẻ, khu vườn này rộng khoảng 10.000m2. Trong đó, khoảng 6.000m² đã được dành riêng để chị khai hoang, lên kế hoạch trồng rau củ quả, biến nơi này thành khu vườn tự cung tự cấp.
Phần diện tích còn lại đang sử dụng vào mục đích để ở, cho thuê nhà trọ và cho người khác thuê đất làm nhà ở dài hạn, góp phần tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
“Thực ra khi mới về làm dâu, nhìn khu vườn toàn cỏ và cây dại, mình không nghĩ đến chuyện sẽ khai phá để trồng trọt đâu, vì nghĩ chắc mình không đủ sức làm. Vài năm sau, nhìn khu vườn toàn cỏ dại, mình thấy thật lãng phí khi cứ để như vậy nên đã cầm cuốc ra vườn để cuốc đất, khai hoang trồng trọt.
Khi mình quyết định khai hoang trồng rau, mẹ chồng mình rất vui khi nghe ý định này. Mẹ chia sẻ rằng trước đây, bà nội chồng cũng rất yêu thích trồng cây, dành nhiều thời gian để chăm vườn.
Tuy nhiên, sức khỏe của mẹ chồng không được tốt, nên bà chỉ trồng một ít rau củ ở trước nhà, đủ dùng cho gia đình. Khi biết mình muốn phát triển thêm khu vườn, bà đã không giấu được sự vui vẻ, động viên và khen ngợi mình”, chị Ngọc Dung bày tỏ.
Chị Ngọc Dung cùng chồng khai hoang đất.
Sức người có hạn nên chị Ngọc Dung không làm được nhiều, nhưng mỗi ngày chị vẫn cố gắng làm một ít, tin rằng cũng có ngày khai phá hết mảnh đất đó. Sau này, chị quen biết một người em trai người Việt sang Nhật làm việc, thỉnh thoảng chàng trai trẻ lại đến nhà chị chơi và phụ giúp chị cưa cây, cắt cỏ, khai phá khu vườn. Thời gian này kéo dài khoảng hơn 1 năm thì chàng trai đó về Việt Nam vì hết thời hạn làm việc tại Nhật Bản.
Khu vườn bước đầu được cải tạo.
“Thật sự mình rất biết ơn người em này, vì đã tiên phong trong việc phụ giúp mình rất nhiều trong việc khai phá khu vườn. Đã 9 năm trôi qua kể từ ngày đó nhưng mình sẽ luôn nhớ mãi”, chị Ngọc Dung tâm sự.
Dần dần, năm tháng trôi qua, lúc thì có người giúp đỡ, lúc thì chị thuê người khai phá, bây giờ khu vườn đã khai phá xong khoảng 95%.
Để có rau củ quả ăn quanh năm, chị Ngọc Dung đã trồng rau theo mùa. Ví dụ như mùa mùa xuân hạ, chị trồng hầu hết các loại rau củ quả mà khí hậu Việt Nam có thể trồng được như mướp, bầu, bí đao, bí đỏ, khổ qua, cà tím, cà chua, rau muống, khoai lang, khoai tây, khoai mỡ, khoai mì, dưa leo, dưa lưới, dưa lê, dưa bở, dưa hấu, chuối, cà pháo, ớt chuông, củ đậu…
Mùa thu đông, chị trồng các loại rau họ cải như cải ngọt, cải canh, cải cúc, ngoài ra còn trồng thêm bắp cải, cải bắp thảo, củ cải, hành tây, hành ăn lá, ngò rí, thì là,...
Giàn mướp hương.
Giàn mướp đắng.
Về cây ăn trái, chị trồng các loại cây thân gỗ chịu được lạnh, thích hợp với Nhật Bản có khí hậu ôn đới chẳng hạn như bưởi da xanh, cam, chanh, quýt, đào, kiwi, cherry, hồng, mận hậu,… Nhưng, trong vườn mỗi loại chỉ có từ 1- 2 cây.
Bên cạnh đó, chị Ngọc Dung còn trồng rất nhiều loại rau thơm phục vụ cho các món ăn Việt Nam như lá quế, diếp cá, rau răm, lá lốt, hành, hẹ, ngò gai (mùi tàu), ngò ôm (rau ngổ),…
Một số loại rau thơm trong vườn chị Ngọc Dung.
Chia sẻ về hành trình trồng rau của mình, chị Ngọc Dung cho biết ban đầu chị gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm nên chị trồng khá lộn xộn, sau này chị mới phân ra từng khu vực như khu trồng rau thơm, trồng xen kẽ giữa cây ăn trái là các loại rau hoặc cây dây leo như dưa lê, dưa bở, dưa lưới…
Một số loại quả trong vườn.
Ngoài ra, cỏ dại và mưa bão cũng là một vấn đề khá đau đầu. Chị bộc bạch: “Mình cứ trồng rau đằng trước thì cỏ mọc đằng sau, cả ngày mình cứ phải vất vả vật lộn với khu vườn, chẳng làm được gì hết ngoài việc đi nhổ cỏ.
Nhật Bản rất nhiều bão. Mỗi lần bão đi qua là những giàn rau mình trồng đều đổ sập, hết bão rồi phải chạy ra dựng giàn lên lại, một năm mình phải chạy bão vài lần như vậy. Nếu cứ suốt ngày đi nhổ cỏ và phải chạy bão thì bao giờ cuộc sống mới khá lên được chứ?
Vì vậy, mình lên ý tưởng và trò chuyện với chồng, bày tỏ muốn trùm bao ni lông hoặc phủ bạt lên khu vườn, đồng thời muốn dựng giàn sắt kiên cố để trồng các loại dây leo mà không cần phải chạy bão. Thật may đúng thời điểm đó, công ty của em chồng mình thải ra những tấm bạt cũ để thay tấm bạt mới, chồng đã xin về cho mình để phủ bạt lên khu vườn, tránh cho cỏ dại mọc”.
Chị Ngọc Dung kể, phần việc phủ bạt, thỉnh thoảng có vài người bạn gần nhà đến chơi thì giúp chị trải bạt. Còn phần làm giàn sắt, chính ông xã đã đi mua sắt và về lắp ráp cho chị.
Tính đến nay, sau chục năm làm vườn, chi phí chị bỏ ra để khai hoang và quy hoạch khu vườn rơi vào khoảng 200 triệu, bao gồm thuê máy vào cưa và cắt cây, thuê người đến khai hoang khu vườn, mua dụng cụ và sắt để dựng giàn trong khu vườn…
Theo chị Ngọc Dung, mỗi khâu trong việc trồng rau, cây ăn quả đều rất quan trọng, nhưng chị thấy đất trồng là quan trọng nhất. Bởi lẽ, đất trồng có tốt thì cây mới có thể phát triển tốt, cho năng suất cao được.
Vì vậy đối với rau củ quả, trước khi gieo trồng, chị sẽ rải vôi để khử trùng đất, ngăn ngừa sâu bệnh hại và phân bò để tăng độ màu mỡ cho đất. Sau đó, cày hoặc cuốc cho đất tơi xốp lên.
Tiếp theo, chị sẽ trùm toàn bộ đất lại bằng bao nilon đen. Mục đích là để đất giữ được độ ẩm mà không cần phải tưới nhiều nước và ngăn không cho cỏ mọc lên. Tuy nhiên, với mùa rau vụ thu đông, chị sẽ bỏ qua bước trùm bao nilon đen vì thời điểm này trời mưa nhiều và lạnh, cỏ không thể mọc lên được.
Đối với cây ăn trái lâu năm, cứ 2 lần một năm, chị Ngọc Dung sẽ rải vôi dưới gốc cây để phòng trừ sâu bệnh và bón hữu cơ, cụ thể là phân bò đã ủ để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Với nông sản thu được từ vườn, chị Ngọc Dung vừa cung cấp cho các bữa ăn gia đình vừa mang tặng cho những người thân quen hoặc mang lên đền để cúng. Nếu vẫn còn dư rau củ quả nữa, chị đem bán rẻ cho những người Việt sống gần mình để họ cũng có rau sạch để ăn.
Ngoài ra, khu vườn còn mang tới giá trị tinh thần không nhỏ cho mẹ đảm. “Khu vườn này đã giúp mình tạo được sự cân bằng trong cuộc sống. Đôi khi mệt mỏi vì phải ngồi làm việc nhiều trên máy vi tính, mình lại đi ra vườn để làm việc tay chân, tái tạo lại năng lượng cho trí não và cơ thể.
Hơn nữa, cảm giác tự thu hoạch và thưởng thức thành quả lao động của mình mang lại hạnh phúc, niềm vui rất đặc biệt. Ngoài ra, khu vườn cũng là nơi để đứa con trai 9 tuổi của mình trải nghiệm cuộc sống. Thỉnh thoảng mình sẽ dạy con cách ươm hạt, nhờ con tưới cây, hoặc rủ con đi thu hoạch rau quả cùng để con gần gũi với thiên nhiên hơn.
Và giờ đây khi nhìn lại khu vườn hiện tại, mình rút ra được một bài học là, nếu có ước mơ gì thì cứ lên kế hoạch đi rồi bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu và làm. Làm dần dần rồi cũng sẽ quen, sẽ giỏi lên và có thành quả thôi. Vì vậy nếu đang ngần ngại không làm được vườn, không trồng được rau thì đừng ngại thử”, chị Ngọc Dung chia sẻ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet