13:40 13/10/2015
Hôn nhân trong kế sách nhu viễn
Kế thừa chính sách của các triều đại trước đối với vùng núi rừng xa xôi, sau khi lên ngôi Lý Thái Tổ vẫn áp dụng chính sách “cơ mi” (ràng buộc lỏng lẻo) nhưng thực hiện bằng những biện pháp linh hoạt hơn.
Bên cạnh phong chức tước, ban thưởng tiền bạc, nhà Lý còn thông qua hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng lớn có thế lực để qua vai trò của họ tập hợp cư dân thành khối thống nhất quanh nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Đây là chính sách rất đặc biệt mà Lý Thái Tổ là người mở đầu chính sách đó bằng việc gả công chúa Đông Thiên cho Giáp Thừa Quý, tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (nay thuộc Bắc Giang và phía Nam Lạng Sơn) rồi phong Thừa Qúy làm châu mục Lạng Châu.
Biên cương một dải (Tranh minh họa) |
Theo sử sách, kể từ đó các đời vua Lý tiếp tục chính sách liên kết với tù trưởng dân tộc thiểu số bằng quan hệ hôn nhân, mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên vùng miền núi, biên viễn. Đã có ít nhất 10 nàng công chúa gồm Đông Thiên, Diên Bình, Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Ngọc Kiều, Khâm Thánh, Thiên Thành, Thiều Dung và Thụy Thiên thành dâu vùng sơn cước. Chính họ là những người làm nên lịch sử, đem má hồng góp phần giữ vững, tô thắm cho một dải biên cương dài rộng của đất nước.
Công chúa là bậc cao sang quyền quý, vì kết hôn với người ở địa vị thấp hơn nên công chúa lấy chồng gọi là “hạ giá”, bởi thế trở thành phò mã là một vinh dự đặc biệt lớn lao mà không phải người nào cũng có diễm phúc có được. Chính vì vậy việc một người dân tộc thiểu số trở thành phò mã của triều đình đã rất ít, nhưng hai lần trở thành phò mã thì trong lịch sử ghi nhận Dương Tự Minh là trường hợp độc nhất vô nhị.
Hai bà cháu lấy chung một chồng
Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, quê ở vùng Quán Triều, phủ Phú Lương nơi có địa bàn rất rộng, gồm nhiều châu tương ứng với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang và một phần Lạng Sơn ngày nay.
Dương Tự Minh là người có sức khỏe, thông minh, giỏi cai trị, biết thu phục nhân tâm nên ông được các thổ quan, tù trưởng nể phục. Với uy tín lớn của mình, Dương Tự Minh được triều Lý hậu đãi, tin tưởng và việc ông trở thành phò mã là một trong những minh chứng của sự coi trọng đó.
Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) trước khi mất, Lý Nhân Tông xuống chiếu gả công chúa Diên Bình cho Dương Tự Minh. Đến đời vua Lý Anh Tông (cháu gọi Lý Nhân Tông là ông họ), triều đình càng coi trọng Dương Tự Minh. Tháng 10 năm Nhâm Tuất (1142) sau khi dẹp xong loạn Thân Lợi, vua sai ông đến châu Quảng Nguyên (nay thuộc đất Cao Bằng) để chiêu tập dân chúng, giúp họ khai khẩn ruộng hoang, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến tháng 8 năm Qúy Hợi (1143) vua “xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc công các khe động dọc theo biên giới về đường bộ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm Giáp Tý (1144) Dương Tự Minh được hưởng ân sủng đặc biệt mà trong lịch sử Việt Nam chỉ mình ông có vinh dự này, đó là việc Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung (có sách chép là Hồng Liên) cho Dương Tự Minh và phong ông làm Phò mã lang. Vậy là Dương Tự Minh hai lần được làm phò mã dưới hai triều vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) và Lý Anh Tông (1138 – 1175).
Phò mã lang và 2 công chúa (Tranh minh họa) |
Về thân thế hai nàng công chúa lấy chung chồng, sử sách không ghi chép cụ thể nên khó biết rõ họ là con vua nào. Chính sử cho biết Lý Nhân Tông không có con trai nên phải nhận cháu gọi bằng bác ruột, đưa vào cung nhận làm con nuôi để có người thừa tự, kế vị ngôi báu. Ông không có con trai nhưng có lẽ có con gái, công chúa Diên Bình phải chăng là con của Lý Nhân Tông, nếu không cũng là con gái nuôi của vua?.
Còn công chúa Thiều Dung tuy được gả chồng dưới triều Lý Anh Tông nhưng công chúa không thể là con của vị vua này, bởi khi nàng “hạ giá” vào năm Giáp Tý (1144), khi đó Lý Anh Tông mới lên 8 tuổi. Như vậy công chúa Thiều Dung có thể là con gái của Lý Thần Tông, là chị của Lý Anh Tông.
Xét về thứ bậc trong hoàng tộc, công chúa Diên Bình là bậc bề trên, ở địa vị người bà, còn công chúa Thiều Dung ở vai trò người cháu. Hai bà cháu lấy chung một chồng nhưng cách nhau 17 năm, đây cũng là một điều hiếm thấy trong lịch sử. Họ có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp lẫy lừng và công tích to lớn của phò mã họ Dương, người được ca tụng là:
Tướng phù Việt địa trung hưng Thánh,
Danh trấn Nam bang thượng đẳng thần.
Nghĩa là:
Tướng giúp đất Việt, thánh trung hưng,
Tiếng dậy nước Nam, thần bậc nhất.
beforeAfter('.before-after');Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet