Đừng nghĩ trong nhà sạch nhất!
Không ít người cho rằng, sống trong nhà là an toàn, sạch sẽ nhất. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tạo Melbourne, Úc, cho thấy, không khí trong nhà ô nhiễm gấp bốn lần ở bên ngoài. Đó là do những độc tố tỏa ra từ đồ gỗ, thảm trải, sơn, véc-ni, thiết bị điện, các chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm… Những yếu tố này bao gồm benzene, formandehyde, aceton và nhiều chất khác. Bên cạnh đó, carbon dioxide, vi khuẩn và tế bào chết từ cơ thể con người, thú nuôi trong nhà cũng góp phần làm ô nhiễm không khí.
Hãy chọn những loại cây phù hợp cho mỗi không gian để chúng phát huy tối đa công dụng!
Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, các nhà khoa học của NASA (Cơ quan hàng không và vũ trụ của Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của chất gây ô nhiễm không khí tỏa ra từ chất gây ô nhiễm tổng hợp bên trong tàu vũ trụ. Họ đã tìm đến cây xanh như một giải pháp và nhận ra rằng, chúng có thể hấp thu và khử các chất gây ô nhiễm ở phòng kín trong vòng 24 giờ.
Các nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (Úc) cho thấy, vài chậu cây xanh trong nhà có thể làm sạch không khí bằng cách “trừ khử” carbon dioxide, carbon monoxide (những khí độc không màu, không mùi, hình thành khi hợp chất hay nhiên liệu chứa carbon đốt cháy không hoàn toàn) và các chất gây ô nhiễm khác.
Một số nghiên cứu của nhóm cũng cho thấy, triệu chứng ho, đau mắt, sổ mũi, đau họng và stress sẽ giảm đáng kể nếu bạn trồng cây xanh trong nhà.
Phòng nào, cây nấy
Cây trồng trong nhà bảo vệ con người khỏi trường điện từ (tạo ra bởi các thiết bị điện trong nhà) và giải phóng ion âm, giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Hơi ẩm từ cây xanh khử bụi và mốc, làm giảm nguy cơ đau mắt, viêm mũi, viêm họng cũng như giảm hen suyễn.
Có rất nhiều cây xanh phù hợp để trồng trong nhà. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn loại cây phù hợp với từng không gian và đừng quên yếu tố thẩm mỹ.
- Phòng khách: nếu không gian này đủ rộng, bạn hãy đặt một chậu dừa kiềng hoặc cọ kiềng. Chúng sẽ rất hữu hiệu để đẩy lùi các chất gây ô nhiễm không khí. Nếu phòng khách thuộc dạng hẹp, bạn có thể trồng một chậu hoa huệ tây, kim phát tài trên bàn sofa. Chúng có tác dụng hút các hóa chất sản sinh từ những thiết bị trong nhà như tivi, máy nghe nhạc, máy vi tính,… và làm sạch không khí. Bạn thích màu xanh dịu mát của dương xỉ? Một chậu cây nho nhỏ trên giá sách hay bàn sofa sẽ làm giảm bụi và ion hóa không khí.
- Phòng ăn – bếp: Thông thường, nhà bếp không có chỗ thích hợp để trồng cây vì khu vực này khá nóng, hay có nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thu xếp một góc nhỏ cho cây xanh. Hãy trồng vài chậu nha đam và đặt trên bậu cửa sổ. Chúng không chỉ mang đến cho bạn màu xanh đẹp mắt mà còn làm giảm lượng khí độc thải ra từ các vật dụng trong gian bếp. Trên tủ lạnh, bên cạnh lò vi-ba… là những nơi bạn có thể trồng một chậu huyết dụ, sống đời hay huệ tây nho nhỏ.
- Hành lang: các chất ô nhiễm thải ra từ các căn phòng trong nhà sẽ gặp nhau tại hành lang. Chính vì vậy, bạn phải có “hệ thống lọc khí tự nhiên” ở khu vực này. Nếu nhà bạn có hành lang rộng rãi, hãy trồng chậu cọ hay dừa kiểng. Với hành lang hẹp, vài chậu dương xỉ dạng treo hoặc đặt trên bàn sẽ giúp hút khí độc.
- Phòng ngủ: hãy đặt chậu hoa lavender (khô) bên cửa sổ phòng ngủ, bạn sẽ có giấc ngủ ngon chưa từng thấy, ngay cả trong những đêm màu hè oi bức. Tinh dầu lavender mang đến cho bạn giấc ngủ sâu và yên bình. Không nên trồng nhiều cây xanh trong phòng ngủ hoặc cắm hoa vì chúng sẽ nhả khí carbonic vào ban đêm. Nếu bạn đặt máy vi tính trong phòng ngủ, hãy trồng chậu xương rồng nhỏ bên cạnh.
- Phòng tắm: đừng nghĩ rằng phòng tắm không bao giờ ô nhiễm không khí vì nơi đây luôn sạch bóng, sáng trưng! Các loại hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa đều thải ra khí độc. Vì thế, hãy đặt chậu dương xỉ nhỏ hoặc bất kì loại cây nào có thể sống trong điều kiện nhiều ẩm, thiếu sáng của phòng tắm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet