Chợ Giáng sinh (tiếng đức Weihnachtsmarkt, Christkindlesmarkt) là một phong tục bắt nguồn từ cuối thời Trung cổ (thế kỷ XIV) để bán thức ăn và đồ tiêu dùng mùa đông. Trải qua một thời gian dài biến động thì đến nay nó đã trở thành một lễ hội văn hóa nổi bật và quan trọng của người dân Đức cũng như một số nước châu âu khác trong mùa giáng sinh , như chợ hoa ngày Tết của Việt Nam.
Nước Đức là một trong những quốc gia ở châu Âu rực rỡ nhất vào dịp Giáng sinh. |
Ở những thành phố bé thì chợ giáng sinh có khi chỉ kéo dài một đến hai tuần hay chỉ mở trong hai ngày cuối tuần còn đa phần là kéo dài trong khoảng thời gian bốn đến năm tuần trước lễ Giáng sinh. Giai đoạn này những người theo đạo Thiên Chúa gọi là Mùa Vọng (Advent), bắt đầu từ ngày chủ nhật thứ tư trước lễ Giáng sinh và chấm dứt vào đêm 23/12.
Các chợ Giáng sinh có thể khác nhau về quy mô, sự nổi tiếng và thời gian mở cửa, nhưng lại khá giống nhau với nhiều gian hàng dựng từ nhà gỗ bao quanh một di tích văn hóa đặc trưng của thành phố. Trong thời gian này những quảng trường trung tâm, các khu phố cổ dành cho người đi bộ hay gần nhà thờ lớn đều bừng sáng ánh đèn rực rỡ, nhộn nhịp khách đến khuya và đượm mùi rượu vang hâm nóng (Glühwein) cũng như bánh kẹo đồ ăn thơm phức.
Khung cảnh huyền ảo với ánh đèn vàng ấm áp ở thành phố Aachen. |
aachen tuy là thành phố bé nhỏ với 300.000 dân và chủ yếu là sinh viên, nhưng đây cũng là một thành phố đẹp cổ kính chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử và di tích văn hóa có giá trị. Chợ Giáng sinh Aachen cũng là một trong những chợ Giáng sinh lớn nhất ở Đức, với khoảng 150 gian hàng, dự kiến tiếp đón 1,5 triệu lượt khách du lịch từ khắp châu Âu trong bốn tuần diễn ra hội chợ.
Ở đó, khách dạo chơi có thể ngắm nghía thỏa thích vô vàn thứ đồ trang trí nhà cửa, cây Giáng sinh, đồ chơi, trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ, vòng hoa Giáng sinh treo cửa đủ màu sắc kích thước cho đến các loại bánh đặc sản từng vùng như Printen (bánh mật gừng Aachen), bánh mật gừng Nürnberg, Marzipanbrot (bánh hạnh nhân), bánh Dominostein bọc chocolate…
Những món đồ lưu niệm xinh xắn được bày bán ở chợ Giáng sinh. |
Du khách thường đến đây vài lần cùng bạn bè, gia đình, người yêu để uống bia, uống Glühwein, rượu trứng (Eierpunsch), nhâm nhi hạt dẻ, ăn bánh kếp hay bánh khoai tây chiên…
Cầm trong tay một chiếc bánh mì xúc xích to bự, xuýt xoa đôi tay thấm lạnh đầu đông và chìm đắm trong không khí ấy, lắng nghe tiếng nhạc, tiếng nói rộn ràng, trò chuyện với bạn bè, ta bỗng thấy rằng cho dù đây là một nơi xa lạ với những con người xa lạ và một thứ tiếng xa lạ thì "khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Ngay cả những người ngoại đạo như du học sinh Việt Nam cũng cảm nhận được một sự ấm áp yên bình đến lạ, chuẩn bị đón chờ ngày lễ Giáng sinh đang về rất gần…
Anh Tú (từ Aachen)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet