Khi nhắc đến các tỉnh Nam Bộ như Tây Ninh, nhiều người sẽ nhớ ngay đến món rau sao nhái vì đây là loại rau đặc sản của vùng này. Loại rau này trước đây mọc hoang dại ven đường, đồng ruộng, trong vườn nhà nơi đất ẩm, nương rẫy,… và thường bị nhổ vứt đi nhưng giờ đây, nó lại trở thành một loại rau đặc sản với mùi vị khó quên.
Cây rau sao nhái.
Rau sao nhái hay còn gọi là rau nhái, rau sao nhái rừng, cúc chuồn, có tên khoa học là Cosmos caudatus, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Rau sao nhái thuộc chi Cúc Tây, gồm 3 phân nhánh chính là sao nhái hồng (Cosmos caudatus), sao nhái tím (Cosmos bipinnatus) và sao nhái vàng (Cosmos sulphureus).
Hoa mọc đơn độc hoặc tạo thành từng cụm ở phần đỉnh. Mỗi hoa chia thành 8 cánh với nhụy hoa màu vàng ở trung tâm. Trong 3 loại rau sao nhái, rau sao nhái hồng được ưa chuộng hơn cả vì nó có hàm lượng dinh dưỡng vượt trội hơn so với hai loại còn lại.
Rau sao nhái cao khoảng 30cm đến 2m, có cây cao đến 3m. Thân cây thẳng đứng, mọc thành bụi, lá có màu xanh nhạt ánh tía với dạng kép 3 lần, so le nhau tựa như hình dạng của những ngọn giáo. Cuống lá phát triển thành bẹ với chiều dài từ 10 đến 20cm.
Lá sao nhái có mùi thơm nhẹ, dù non hay già đều mềm và ăn được. Loại rau này có thể ăn như rau sống, chung với các loại rau tập tàng khác, hoặc cuốn bánh tráng thịt heo, ăn kèm các loại cá kho, mắm kho, thịt kho…
Ngoài ra, lá sao nhái còn được dùng để ăn với bánh xèo, làm nộm hoặc bóp gỏi, xào tỏi, nấu canh, nhúng lẩu… Khi ăn sống, nó có vị ngọt ngọt, chua chua và hơi nhẫn đắng một chút, nếu luộc hoặc xào sẽ có vị bùi đậm chất rau xanh.
Không chỉ ngon, rau sao nhái còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C, polyphenol, chất chống oxy hóa,… mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Cụ thể, nó sẽ giúp lọc sạch và tăng cường máu, chống lão hóa, ngăn ngừa loãng xương,…
Khi nhắc đến rau sao nhái, nhiều người thường liên tưởng tới hoa sao nhái (hoa cánh bướm). Tuy nhiên, đây là 2 loại khác nhau. Hoa cánh bướm có bông hoa to hơn so với hoa sao nhái rừng, lá của nó cũng không có mùi thơm như cây sao nhái rừng, và lá của loại cây này không ăn được. Hoa cánh bướm thường được trồng với mục đích chính là làm cảnh.
Vì vậy, nếu không rõ về các loài hoa sao nhái, không biết phân biệt thì bạn nên tránh tự hái hoặc ăn kẻo gây hại cho sức khỏe.
Hoa cánh bướm thường được trồng làm cảnh. Loại này không ăn được.
Hoa của cây rau sao nhái ăn được sẽ nhỏ hơn so với hoa cánh bướm.
Cách trồng rau sao nhái tại nhà
Để trồng rau sao nhái, bạn có thể mua giống từ các cửa hàng giống hoặc gieo hạt nếu có sẵn. Với phương pháp gieo hạt, bạn chỉ cần gieo trực tiếp hạt lên đất ẩm, phủ một lớp đất mỏng lên trên và giữ đất ẩm là được.
Nếu không có cây giống hoặc hạt giống, bạn có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành như các loại rau khác. Hãy lấy cành của cây sao nhái đã trưởng thành, cắt thành đoạn dài 15-20 cm rồi giâm xuống đất. Lưu ý, cành giâm cần có ít nhất 1-2 mắt (nơi có mầm) chạm đất.
Khoảng 1-2 tuần sau khi trồng, hạt hoặc cành giâm sẽ nảy mầm, bén rễ.
Trong quá trình chăm sóc rau sao nhái, bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Rau sao nhái thích hợp với đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu chất dinh dưỡng. Đất trồng nên pha trộn với phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Nếu không có sân vườn, bạn có thể trồng rau sao nhái trong chậu hoặc thùng xốp.
- Ánh sáng: Rau sao nhái là loại cây ưa sáng, vì vậy, bạn cần trồng ở nơi có ánh sáng đầy đủ. Tuy nhiên, nếu trồng trong chậu, có thể chọn vị trí râm mát vào buổi trưa để cây không bị cháy nắng.
- Tưới nước: Rau sao nhái cần đất ẩm, nhưng không được úng nước. Do đó, bạn cần tưới nước đều đặn, nhất là vào những ngày nắng nóng.
- Bón phân: Sau khi cây ra lá non, bạn có thể bón phân hữu cơ hoặc phân NPK để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển hơn. Bón phân định kỳ mỗi tháng một lần.
Chăm sóc đúng cách sẽ giúp cây phát triển tốt và ra nhiều lá non, có thể thu hoạch sau khoảng 1-2 tháng. Khi cây có lá non và đạt chiều cao khoảng 30-40 cm, bạn có thể cắt lá để ăn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet