Người khổng lồ Gary Cohn, Chủ tịch kiêm Giám đốc vận hành của Goldman Sachs, gần đây đã kỷ niệm tròn 25 năm làm việc tại ngân hàng.
Cohn, năm nay 54 tuổi, đã xây dựng cho mình một sự nghiệp lẫy lừng với những chi tiết thú vị được Malcolm Gladwell đưa vào trong cuốn best-seller của mình mang tên "David và Goliath".
Sinh ra tại Cleveland, Gary Cohn sớm bị chẩn đoán mắc chứng đọc khó (dyslexia) và phải trải qua một tuổi thơ chật vật ở trường. Tính đến năm học lớp 6, Gary đã phải 4 lần chuyển trường. Thầy cô và bạn bè từng coi ông như kẻ ngốc và chính ông cũng tự nhận mình là một học sinh "tệ hại".
Điều đáng buồn là chính các giáo viên ở trường cũng mơ hồ về tương lai của cậu bé Gary. Có người còn nói với cha mẹ cậu rằng may ra thì cậu làm được nghề lái xe tải.
Gary Cohn "ngày ấy", hình chụp trên thẻ làm việc tại goldman sachs của ông.
Thế nhưng, Cohn đã tốt nghiệp trung học và thậm chí, tốt nghiệp Đại học Hoa Kỳ vào năm 1982.
Sau khi ra trường, Cohn không xin được việc ngay, nhưng cậu trai trẻ lại nung nấu một "niềm đam mê mãnh liệt với thị trường tài chính”. Đến tháng 7, để làm vừa lòng cha, cậu chấp nhận làm việc cho chi nhánh US Steel tại Cleveland, chuyên bán khung cửa sổ và khung nhôm gia dụng.
Vào khoảng Lễ phục sinh, Gary phải đi công vụ tới văn phòng công ty ở Long Island. Cậu đã xin sếp cho nghỉ một ngày thứ 6 để được thăm thú New York lần đầu, song thay vì chiêm ngưỡng những danh thắng của thành phố, Gary tiến thẳng tới phố wall và sàn giao dịch hàng hóa tại Trung tâm thương mại Thế giới – lặng lẽ quan sát cách mà người ta làm việc với nhau.
Ngay sau đó, Gary nảy một ý định. Cậu đi về phía cửa an ninh của sàn giao dịch và chờ đợi trong nhiều giờ. Cuối cùng, khi Gary nản lòng và sắp bỏ cuộc đến nơi thì "vận may" xuất hiện. Một người đàn ông vội vã chạy xuống, vừa chạy vừa hét to với thư ký của mình: "Tôi phải đi đây, đến LaGuardia, muộn xừ rồi, tôi sẽ gọi cậu ở sân bay". Không chần chừ, Gary lao về phía người đàn ông đó: "Tôi nghe thấy ông nói ông đang tới LaGuardia?" –"Phải rồi". "Vậy tôi với ông chung xe luôn nhé, tôi cũng đang cần tới đó" –"Được thôi". Với Gary, đó thực sự là một cơ hội ngàn vàng, bởi với giao thông chiều thứ 6 tại New York, anh sẽ có đủ thời gian để kiếm cho mình một công việc trong mơ.
Đó thực sự là một động thái phi thường mà không phải ai cũng có gan thực hiện, bởi trong suốt thời gian ngồi trên taxi, Gary đã không ngừng …nói dối. Hóa ra người đàn ông chung xe với cậu lúc đó đang quản lý mảng sản phẩm quyền chọn (option) cho một trong những công ty môi giới chứng khoán lớn, và khi được hỏi có hiểu quyền chọn là gì không, Gary nhanh nhảu gật đầu, dù trong đầu chẳng có tí ý niệm gì về nó.
Và cho đến lúc rời taxi, chàng trai trẻ đã nhận được một lời mời vàng ngọc: "Gọi cho tôi vào thứ hai nhé" – người đàn ông đó nói. Đầu tuần, Gary gọi điện, sau đó đặt vé máy bay trở lại New York để tham gia buổi phỏng vấn và vào đúng thứ hai tuần sau đó, chính thức nhận việc tại công ty môi giới chứng khoán. Giai đoạn đó, Gary Cohn say sưa đọc cuốn "Quyền chọn: một hướng đầu tư chiến lược" của Laurence McMillan. "Nó giống như kinh thánh bất cứ ai muốn làm giàu với mảng sản phẩm này” – Gary kể lại. Tuy nhiên tác giả của cuốn "David và Goliath" cũng kể rằng để đọc xong 22 trang sách của cuốn sách tài chính đình đám đó, Gary đã mất tới …6 giờ đồng hồ.
Gary Cohn "bây giờ", một trong những tài phiệt phố Wall. |
Sau vài năm miệt mài tại sàn giao dịch hàng hóa, Gary Cohn đã được mời về làm việc tại Goldman Sachs. Năm 1990, ông tiếp nhận vị trí tại J. Aron, một đơn vị giao dịch hàng hóa trực thuộc ngân hàng Goldman và chỉ 4 năm sau, trở thành “cộng sự” (partner) của ngân hàng, một trong những danh xưng mỹ miều và đáng mơ ước cho bất kỳ ai đang làm việc tại phố Wall.
Giờ đây, Gary Cohn đứng trong hàng ngũ các lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng đầu tư khổng lồ hoạt động đa quốc gia, và ông nói nếu không nhờ chứng đọc khó, có lẽ chẳng bao giờ ông vươn lên được vị trí này.
"Một đặc tính của những người mắc chứng đọc khó mà tôi được biết, đó là nếu vượt qua được những năm đại học, khả năng đương đầu với thất bại của chúng tôi trở nên vượt trội hơn người. Chúng tôi nhìn thấy nhiều triển vọng tích cực thay vì tiêu cực trong hầu hết các tình huống, và không để những hoàn cảnh bất lợi làm mình khiếp sợ. Tôi đã luôn nghĩ về điều này, điều thực sự định hình nên tôi của ngày hôm nay. Nếu không bởi xuất phát điểm khó khăn, tôi đã không bao giờ dám thử vận may của mình vào cái ngày hôm đó."
- 10/06/15 18:07 Ảo mộng phố Wall: những thực tế bi hài
- 08/06/15 20:45 Đánh giá khả năng xuất hiện của các sản phẩm tại WWDC 2015
- 28/05/15 17:17 Nhật Báo Phố Wall: Đừng mơ Apple sản xuất TV
- 06/11/14 17:11 8 khác biệt của những người thành công
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet