Cũng có một số trường hợp khác, dù không cai sữa các chị em vẫn gặp áp xe ngực như: làm việc quá sức, không cho trẻ bú thường xuyên, trong thời gian còn cho con bú mà các mẹ mặc áo ngực quá chặc, đè ép ống dẫn sữa cũng có thể làm cho áp xe. Sau đây là những thông tin tư vấn của TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa sản M, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, về cách giúp áp xe mau lành.
Con đường xâm nhập
Có nhiều loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể con người để gây áp xe ngực nhưng loại thường gặp nhất là Staphylococcus aureus. Vi khuẩn này tấn công con người qua các đường trầy sướt ở da hay những vết nứt ở đầu ngực.
Từ đó dễ gây nên hiện tượng viêm ngực, mô mỡ trong tuyến vú bị viêm nhiễm, sưng nề, gây nên tình trạng tắc ống dẫn sữa, rồi viêm nhiễm nang tuyến sữa, tạo thành áp xe.
Tự phát hiện áp xe
Để phát hiện sớm tình trạng áp xe, ngay khi phát hiện những triệu chứng sau đây, các chị em nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị thích hợp, trong thời gian sớm nhất.
Khi phát hiện ngực mình có cảm giác sưng, đỏ, đau và núm vú tiết dịch. Lấy tay sờ vào thấy khối nề rõ, ấn vào có cảm giác rất đau, ngực có dấu hiệu phập phều, có nhiều trường hợp khối áp xe tự vỡ, mủ tiết ra ngoài.
Bên cạnh đó, hạch ở nách cũng có thể xuất hiện ở bên phần ngực bị áp xe. Chung với những triệu chứng trên người bệnh còn có thể bị sốt cao, cảm giác mệt mỏi, không thiết đến việc ăn uống. Nếu khối áp xe quá lớn có thể gây khó thở cho người bệnh và thường thở rất nhanh nông (thở không được sâu).
Biến chứng nguy hiểm Khi có những triệu chứng khó chịu, có khả năng cao bị áp xe ngực, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị, tránh tự ý mua thuốc về điều trị hoặc chữa trị theo những cách dân gian truyền miệng, để hạn chế được tình trạng xấu nhất.
Những biến chứng mà người bệnh có thể mắc phải khi áp xe vú là vùng áp xe có thể bị nhiễm trùng mạn tính, cơn đau ngực sẽ kéo dài, tuyến vú sẽ bị biến dạng xấu đi do vết sẹo bị co rút lại. Nguy hiểm hơn rất nhiều là người bệnh có thể bị nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan do nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây là những biến chứng rất hiếm gặp.
Giúp áp xe mau lành Nếu đang còn trong thời gian cho con bú, bạn vẫn có thể cho bé bú mẹ ở phần ngực không bị áp xe. Lưu ý, khi bé bú không hết sữa thì bạn nên vắt hết sữa hoặc dùng dụng cụ hút cho hết phần sữa thừa. Đối với bên ngực bị áp xe, bạn nên cố gắng chịu đau hút sữa. Từ mẫu sữa này các bác sĩ có thể cấy để tìm chủng vi khuẩn gây bệnh, giúp cho việc điều trị được tốt hơn. Để làm sạch ổ áp xe họ sẽ áp dụng phương pháp rạch dân lưu ổ áp xe, vệ sinh để lấy sạch mủ, để hở miệng vết rạch để dịch chảy ra ngoài. Song song đó, bệnh nhân có thể dùng kháng sinh phổ rộng để điều trị nhiễm trùng như Cephalosporins, Erythromycin, Penicillins. Về phần bệnh nhân để tránh áp xe, bạn nên giữ sạch sẽ vùng đầu ti, cần giữ ẩm, tránh trầy sướt và tránh nứt da để phòng ngừa áp xe vú. Huỳnh Châu
Có thể bạn cần biết:
1. Trong lúc mẹ bị áp xe như vậy có nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ hay không?
Bạn vẫn có thể tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nên duy trì đầy đủ các cữ bú cho trẻ. Bên cạnh đó để tránh tình trạng căng sữa bạn nên vắt sữa cả hai bên ngực nhiều lần trong ngày.
2. Khi điều trị mẹ sẽ phải uống thuốc kháng sinh, vậy có nên cho trẻ bú mẹ
Các bà mẹ đang cho con bú sẽ được dùng kháng sinh không ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Vì, vậy, vẫn có thể cho bé bú tiếp tục. Riêng đối với bên vú bị áp xe, sau giai đọan rạch thoát mủ và lên mô hạt sạch thì vẫn tiếp tục cho bé bú bình thường.