Mình xin tổng hợp một vài cách xử lí pan thông thường dành cho anh em mê dòng xe "ong bầu" này nhé!
Kiểm tra và thay dây cho "con vợ yêu"
Pan thứ nhất : Ngộp Xăng
1. Nguyên nhân: nguyên nhân thì khá nhiều nhưng thường gặp do đỗ xe bị nghiêng về bên máy quá nhiều nên xăng từ chế hòa khí (bình xăng con) nhỏ xuống cửa hút hoặc kim xăng bị rỗ dẫn đến xăng trong chế hòa khí (bình xăng con) cao hơn mức cho phép.
2. Hiện tượng : đạp không nổ, nếu tháo bugi ra sẽ thấy ướt nhoèn.
· Cách khắc phục: Khi đỗ xe nên chú ý không để xe bị nghiêng về bên máy hoặc đuôi xe quá thấp (đỗ ngược dốc), nếu hay bị ngộp thì nên sửa lại kim xăng (thay kim mới hoặc dùng bút chì cứng rà lại lỗ) hoặc chủ động khoá xăng trước khi tắt máy độ vài chục mét.
Nếu đã bị ngộp xăng: tắt khoá điện,khoá xăng và đạp cần khởi động vài lần (nếu ngộp nhiều thì mệt đấy, tôi đã có lần phải đạp đau cả chân sau một chầu nhậu tuý lúy), sau đó bật lại khoá điện và đạp khởi động bình thường (chú ý sau đó thì mở khoá xăng ra nhé)
Pan thứ 2: Đứt dây các loại
Dân chơi thứ dữ thường thủ sẵn trong cốp xe một vài dây ambraya (dây côn), dây số và dây ga. Khi đứt dây thì thợ máy muôn năm. Vấn đề quan trọng là làm thế nào đưa được nàng đến được chỗ các anh thợ máy.
* Đứt dây ambraya: trả về số 0, ngồi trên xe chòi chân đẩy lấy đà và vào số 2 hoặc thẳng luôn số 3 nếu được. Nếu không ổn thì dắt xe lên một cái dốc nào đấy hoặc lề đường cao. Sau đó thả xuống dốc và vào số. Chạy xe đứt
ambraya cảm giác khá mạnh, xe lồng lên như ngựa chứng hoặc giật cục như gà nuốt dây thun.
* Đứt dây ga: nhờ các anh xe ôm đẩy.
* Đứt dây số: ngồi... mếu. Sau đấy gọi xích lô...
Pan thứ 3: Bugi mất lửa (không có điện vào)
Bugi Vespa rất dễ quay cu lơ mà không có lý do chính đáng. Rất hay gặp tình trạng hôm trước thay bugi, hôm sau bugi đã tèo luôn. Tốt nhất nên thủ một cái bugi Bosch là yên tâm trên xa lộ. Nếu bugi mất lửa không vì lý do này thì... thua.
Pan thứ 4: Xẹp bánh xe (xịt lốp)
Bước a: dắt bộ hoặc đưa nàng lên xích lô đến chỗ có thợ.
Bước b: test xem anh thợ sửa Vespa hay sửa Honda.
Bước c: nếu thợ Vespa thì ok. Nếu không phải thợ Vespa thì qua bước d.
Bước d: hướng dẫn anh thợ tháo mấy con ốc xung quanh mâm bánh xe, gỡ bánh xe ra và gắn bánh dự phòng vào. Phải chú ý không hắn ta tháo trục bánh xe ra giống như vá Honda thì đổ nợ.
Vespa có ưu thế hơn hẳn các dòng xe khác ở chỗ có 01 bánh xe dự phòng (dự phòng 2+1 hơn cả xe hơi nhá). Vì vậy nên kiểm tra thường xuyên bánh xe dự phòng luôn ở tình trạng sẵn sàng (tôi chơi một cái vỏ loại 6 ply(lớp bố), hơi cứng nếu để dùng nhưng làm dự phòng tạm được vì nếu nó có hơi non hơi một chút vẫn có thể chạy tạm được).
Dụng cụ để thay bánh rất đơn giản: một ống tuýp 13mm(trong túi đồ của PX nó là đầu nhỏ của cái tuýp vặn bugi) và 01 tay vặn(dài khoảng 15-20 cm).
Nếu thay bánh trước : rất đơn giản vì Vespa máy đặt sau nên khi dựng chân chống thì bánh trước đã được nâng khỏi mặt đất. Dùng tuýp 13 tháo 05 ecu M8 gắn bánh xe vào moay-ơ (lưu ý tránh tháo nhầm 05 ecu giữ la-răng), tháo bánh dự phòng ra và gắn vào moay-ơ, lắp bánh bị xẹp vào chỗ dự phòng và ta lại vi vu. Nếu dụng cụ đầy đủ thì các việc trên có thể thực hiện trong khoảng 5-10 phút.
Nếu thay bánh sau: Tháo bánh dự phòng ra khỏi xe trước, tuỳ theo địa hình xung quanh ta sẽ có hai cách sau:
1. Nếu kiếm được vài viên gạch: dùng hai viên kê hai bên chân chống cao thêm khoảng 5-10 cm, dùng một viên gạch để đứng kê vào gầm máy (chỗ dưới hộp số) sao cho bánh sau được nâng cao cách mặt đất khoảng 5cm sau đó thao tác như đối với bánh trước. Lưu ý kê chắc chắn, nhất là chỗ gầm máy (tôi đã có lần thử dùng kích của xe hơi thấy khá hay).
2. Nếu không có gì để kê kích: khoá xăng lại và cho nổ máy tới khi hết xăng trong chế (bình xăng con) khi gần hết xăng ga sẽ tự nhiên tăng lên, khi đó nên kéo le và nháy ga cho tới khi tắt hẳn. Tháo hết hai cốp và bánh xe dự phòng ra khỏi xe và lật em sang bên máy cho nằm nghiêng xuổng đất (đúng ra thì phải kê hai điểm: bầu hộp số và tay nắm bên phải nhưng đang nói trường hợp là không kiếm được gì để kê mà). Sau đó thao tác thay bánh xe như trên và cho em đứng dậy, lắp lại cốp , mở khoá xăng và đề pa. Việc khoá xăng và cho máy nổ hết xăng là để tránh bị ngộp xăng khi ta bắt em phải nằm nghiêng về bên máy.
Một số lưu ý nhỏ:
· Tránh tháo nhầm 05 ecu giữ la-răng(nếu bạn tháo nhầm sau đó lại tháo tiếp 05 ecu còn lại sẽ có thể
nguy hiểm nếu áp suất trong ruột vẫn còn) vì la-răng của Vespa là loại divided (hai nửa có thể tách rời).
· Khi xiết các ecu giữ bánh nên xiết đều tay theo thứ tự đối diện.
· Khi mang bánh xe xẹp tới chỗ vá xăm (ruột) nên hướng dẫn thợ vá là tháo 05 ecu M8 để tách hai nửa la-răng chứ không dùng dụng cụ móc lốp (vỏ) như các loại xe khác.
· Nếu bạn chưa quen nên nhìn kỹ trước khi tháo bánh để tránh lắp nhầm bên (hồi mới chạy Vespa tôi đã bị nhầm một lần, lúc xong thấy quái tại sao hai bánh xe trước sau lại không thẳng hàng??
Pan thứ 5: Hết xăng
Xuống xe, nghiêng xe về bên máy (là bên phải xe nếu nhìn từ đằng sau) để tận dụng tí xăng còn sót trong bình, sau đó nổ máy và cố lết đến chỗ có bán xăng. Tuy nhiên chỉ chạy được vài trăm mét là lại tịt ngóm nên đôi khi phải nghiêng đến... 5-7 bận.
Các thứ liên quan đến xăng và nhớt
1. Xăng:
Vespa là xe hai thì nên dùng xăng pha nhớt. Đối với các đời Vespa từ trước 1995, xăng và nhớt được pha chung theo tỷ lệ tùy từng model. Nhìn chung xe cổ trước 1968 thì ph khoảng 4-5% nhớt. Nghĩa là 95% xăng và 5% nhớt, gọi theo cách miền Nam thì khoảng 5 lít xăng pha với một xị nhớt. Nếu đi đường dài thì pha khoảng 6%. Về nguyên tắc, tỷ lệ nhớt cao thì máy được bảo vệ tốt, nhưng đừng quá lạm dụng vì bugi bị đóng muội khói đen dẫn đến khó nổ máy.
Xe Piaggio đời PX95 hoặc PX96 trở đi thì đổ xăng riêng nhớt riêng nên tương đối đơn giản. Máy sẽ tự động pha xăng và nhớt theo tỷ lệ phù hợp. Cơ chế pha khá hay, nếu vòng tua máy chậm thì pha ít nhớt, nếu vòng tua máy nhanh (chạy đường trường tốc độ cao) máy tự động xin thêm miếng nhớt cho nó mát mẻ.
Tại SG có một số cây xăng bán xăng pha sẵn nhớt (3-5%, có thể yêu cầu người đồ xăng thay đổi tỷ lệ nhớt theo ý mình):
- Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng
- Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo
- Trần Hưng Đạo - chợ Nancy
2. Nhớt:
khác với dòng xe 4 thì như Honda dùng nhớt chung cho máy và hộp số, Vespa dùng nhớt hộp số riêng, còn máy thì lấy luôn nhớt từ xăng. Nhớt hộp số thường có 2 loại chỉ số nhớt là 50 và 90. Loại 90 đặc hơn và ít được dùng vì làm lì máy, dính bố ambraya, xe không vọt, nhưng được cái giảm tiếng ồn động cơ. Các tay thợ bán xe trời ơi đất hỡi thường chuộng loại nhớt này vì máy êm nên đánh
lừa được khổ chủ. Thường chỉ khi nào máy cũ quá và khua ầm ầm thì mới nên thay nhớt 90. Cosa đôi khi cũng được thay nhớt 90 cho bộ nồi ambraya đỡ kêu.
Dân bán xe lựu đạn còn có chiêu độc là trước khi khổ chủ đến xem xe, họ vo viên vài cục mỡ bò loại dùng bôi trơn bạc đạn và bỏ vào trong ngăn nhớt hộp số. Thế là máy xe nổ êm như ru và thừa sức gây mê mấy con nhạn là đà.
Dụng cụ cần thiết nên có khi đi Vespa cổ:
Các dụng cụ cần thiết
Vespa có 3 bánh, nếu đi đường dài anh em nên để thêm cái ruột nữa, tiện lợi vô cùng cũng không nặng xe thêm là mấy.
ST: Hayabushit
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet