Đặc điểm của hoa hồng dại
Hồng dại là giống hồng hoang dã lâu đời, có nguồn gốc từ giống Wichura ở vùng Cận Đông, sau lai tạo tự nhiên với nhau để thành ra hàng trăm giống khác. Hồng dại thường có dạng bụi, thân cao, cành dài, nhiều gai, ít cánh hoa hơn hoa hồng thường mà ta hay gặp, đa số các bông hoa đều rất thơm.
Ở một số vùng thôn quê, có thể dễ dàng bắt gặp một vài cây hồng dại trước cửa nhà hoặc một hàng rào hoa hồng dại. Loại hồng dại có thân leo thì gọi là “hồng leo”, loại có thân bò ngoằn ngoèo sát đất thì mang tên “hồng bò”. Hồng dại có các giống Persian, Yellow rose, Rosa Multiflora, Rosa Virginiana,…
Đa số giống hồng dại thân cây và hoa không đẹp, nhưng mọc mạnh, sức đề kháng sâu bệnh khá tốt, nên thường được dùng làm gốc ghép. Hoa hồng dại khá khỏe mạnh và có thể phát triển trên đất nghèo dinh dưỡng, chẳng hạn như lề đường, quanh hàng rào của nhà, ở những cánh đồng hoang,...
Công dụng của cây
Cây hoa hồng dại ngoài công dụng trồng làm cảnh ở sân vườn, trồng làm hàng rào quanh nhà do có khá nhiều gai, còn có thể làm thuốc. Trong những bộ phận của cây hồng dại, phần rễ cây là vị thuốc quý chữa được nhiều chứng bệnh thường gặp.
Rễ cây có vị đắng, chát, tính mát, tác dụng sát trùng, chữa lỵ, trừ thấp nhiệt, chữa mụn nhọt, lở ngứa, chữa bệnh tiêu khát, đái dắt, trẻ em bị kiết lỵ lâu ngày, phong thấp teo cơ, lưng gối đau mỏi, đi lại vận động khó khăn,...
Cách trồng hồng dại tầm xuân làm hàng rào
Hồng tầm xuân là một giống hồng dại bản địa, hoa thường có màu hồng nhạt, biến đổi từ hồng đậm tới trắng, với đường kính 4–6 cm và có nhiều cánh, lúc chín thành quả màu cam đỏ cỡ 1.5–2 cm.
Hồng tầm xuân có sức sống mãnh liệt và khả năng kháng chịu sâu bệnh cao, nên thường được dùng làm phôi ghép cho các giống hoa hồng ngoại khác. Qua nhiều năm, việc ghép mắt hồng ngoại với gốc tầm xuân hiện nay đã cho cây hoa đúng phom mẫu, không còn các hiện tượng thoái hóa.
Nếu muốn có một hàng rào hoa hồng đẹp hay cho hoa bò ven tường, bạn có thể chọn trồng hồng tầm xuân vì cây có sức sống mãnh liệt và rất dễ chăm bón mà không tốn nhiều công sức.
Chuẩn bị:
- Cành tầm xuân khỏe mạnh, tròn đều, mầm ngủ nổi rõ. Sau khi chọn xong những cành tầm xuân thì cắt bỏ đoạn ngọn non và đoạn gốc già vì mầm sẽ mọc yếu.
- Đất trồng: Cây hoa hồng dại tầm xuân thích hợp với đất cát pha, đất thịt nhẹ, dễ thoát nước. Đất nên được làm sạch cỏ, bón lót phân,... trước khi trồng.
- Các dụng cụ trồng như xẻng, bay, chậu trồng nếu có,...
Các bước thực hiện:
Bước 1: Thực hiện bón lót phân hữu cơ vào hố, trộn phần đất thịt còn lại để dùng lấp sau khi trồng.
Bước 2: Cho cành tầm xuân xuống hố, cành tầm xuân cần dài chừng 50cm, để nghiêng càng, lấp đất 1/3 cành tầm xuân. Trồng theo hàng ngang cách nhau 50cm, cây cách cây khoảng chừng 30cm trên mặt luống sau đó nén chặt gốc.
Bước 3: Phủ 1 lớp trấu bên trên để giữ độ ẩm cho đất, tránh bốc hơi. Cây tầm xuân không chịu được úng, nói chung lúc trồng cây hoa hồng dại tầm xuân thì không tưới nhiều nước. Đối với mùa hè, mùa khô chỉ tưới một ít nước. Cây trồng chậu 2-3 ngày tưới một lần.
Bước 4: Giai đoạn chăm sóc hoa tầm xuân là giai đoạn cần được chú ý và quan tâm nhất. Cần phải làm cỏ, xới đất nhẹ bằng bay hoặc xẻng nhỏ. Không cần bón quá nhiều phân cho loài cây này, sau 3 tháng bón thúc bằng phân hữu cơ vi sinh.
Khi tầm xuân nở hoa phải kịp thời hái hoa, nếu không hái mỗi năm cây sẽ chỉ nở một lần, số lần hái càng nhiều hoa nở sẽ nhiều hơn.
Tỉa bỏ bớt những mầm và đặc biệt là những chồi nhỏ, mỗi khóm chỉ nên giữ lại ít nhất tầm 7-8 cành dài, khoẻ nhất nhằm nâng cao chất lượng cành hoa. Hàng tháng cũng nên tưới thêm nước phân chuồng pha loãng cùng với kali để giúp cây có đầy đủ dinh dưỡng và phát triển một cách khỏe mạnh.
Chúc các bạn có một hàng rào hay ban công hoa thật đẹp do chính tay chăm sóc!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet