1. lễ hội Khèn Mông
Lễ hội khèn Mông lần đầu tiên được tổ chức. Ảnh: dantocviet.com |
Từ ngày 31/8 đến 2/9, lần đầu tiên lễ hội Khèn Mông toàn huyện Đồng Văn được tổ chức và sẽ được duy trì hàng năm chào mừng Ngày Quốc khánh. Lễ hội còn tổ chức Hội chợ thương mại tại Sân vận động huyện Đồng Văn với quy mô trên 150 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là một số hoạt động như: Thi múa khèn, thi đẩy gậy, đập bóng, đánh sảng, hát ống và đánh yến.
2. Lễ Quốc khánh
Quốc khánh 2/9 là ngày lễ trọng đại của cả đất nước. Trên khắp các con phố Thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước đều tràn ngập trong sắc đỏ của cờ hoa, băng rôn và biểu ngữ.
3. “Tháng vàng du lịch” ở Huế
Tháng vàng du lịch di sản Huế sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 30/9 nhân kỷ niệm 20 năm Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại, và 90 năm thành lập Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế.
Trong dịp này sẽ diễn ra nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mãi, dịch vụ tặng thêm cho du khách và các công ty du lịch đưa khách đến tham quan di tích Huế vào tháng này.
4. Hội Lăng Lê Văn Duyệt
Hàng năm vào ngày 5/9 (tức 1/8 âm lịch), tại lăng Ông Bà Chiều, quận Bình Thạnh, TP HCM diễn ra lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt thu hút hàng chục nghìn người tham dự, trong số đó có khoảng 50% là du khách người Hoa. Xét riêng phương diện các lễ hội tưởng niệm các nhân vật lịch sử, thì đây là lễ hội lớn nhất ở đất Gia Ðịnh xưa và nay.
5. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng. Ảnh: nhanong.com.vn. |
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Năm 2013 là năm thứ 24 quận Đồ Sơn khôi phục Lễ hội chọi trâu nổi tiếng này. 16 trâu chiến thắng trong vòng loại sẽ có mặt tại vòng chung kết diễn ra vào ngày 13/9 tới.
6. Hội Nghinh Ông Cần Giờ
Lễ hội nghinh Ông. Ảnh:nikon.com. |
Lễ hội nghinh Ông tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ diễn ra vào dịp rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, kéo dài từ ngày 14/8 đến 17/8 âm lịch, là một trong những lễ hội thờ cúng cá Ông (cá voi) lớn nhất Nam bộ. Năm nay lễ hội sẽ diễn ra từ 18 đến 21/9.
7. Tết trung thu
Tết Trung Thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Tại Việt Nam, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên. Vào ngày này, người ta bày cỗ, trông trăng và thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo. Ở một số nơi còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng trong khi trẻ em rước đèn lồng, đèn kéo quân…
8. Hội Yến Diêu Trì Cung
Hội Yến Diêu Trì diễn ra tại Tòa Thánh Tây Ninh. Ảnh: asiablog |
Hội Yến Diêu Trì Cung một lễ hội quan trọng theo Thể Pháp và Bí Pháp của Đạo Cao Đài. Ngày rằm tháng tám âm lịch hằng năm lễ Hội Yến được tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh. Thời gian này khách thập phương và người có trách nhiệm chuẩn bị lễ hòa quyện nhau tạo ra khung cảnh thân mật và nhộn nhịp trước Báo Ân Từ và Nội Ô Tòa Thánh.
9. Hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (19 – 24/9)
Đã thành thông lệ, ngày 15 - 20/8 âm lịch hàng năm, Hải Dương lại long trọng tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đây là lễ hội truyền thống thu hút du khách của cả một vùng, không chỉ trong tỉnh Hải Dương mà còn nhiều tỉnh, thành lân cận. Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm như một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Hải Dương.
10. Lễ hội Lam Kinh - Thanh Hóa (26/9)
Hằng năm cứ vào ngày 22/8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại diễn ra tại khu di tích Lam Kinh thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm nay, lễ hội Lam Kinh trùng với ngày kỷ niệm 595 năm ngày khởi nghĩa Lam Sơn, 585 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và 580 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Kim Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet