Hình ảnh boomerang gắn liền với australia không kém gì chuột túi hay gấu koala. Không mấy ngạc nhiên khi thấy logo của Thế vận hội 2000 tại Australia xuất hiện hình ảnh những chiếc boomerang.
Những chiếc boomerang được trang trí màu sắc sặc sỡ. Ảnh: nyugar. |
Năm 1688, nhà thám hiểm người Anh William Dampier là người đầu tiên ghi lại những thông tin về boomerang khi nghiên cứu đời sống thổ dân Australia, trong hành trình khám phá bờ biển phía tây và New Holland. Quan sát các thổ dân, Dampier phát hiện công cụ đặc biệt “làm bằng gỗ và thô ráp giống hình một chiếc liềm”.
Tròn 100 năm sau, năm 1788, khu định cư của người Anh (nay là Sydney) được thành lập bên bờ biển phía đông New Holland. Suốt thời gian này, hàng trăm người châu Âu nô nức tới tìm hiểu đời sống thổ dân Australia. Sự tồn tại của boomerang bắt đầu được nhiều người dân trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt.
Những chiếc boomerang đầu tiền làm từ rễ cong của cây Mulga hoặc cây keo. Thổ dân Sydney dùng từ “Boo-mer-rit” để gọi “thanh kiếm lưỡi cong” của họ. Đến năm 1800, boomerang chính thức là một từ vựng tiếng Anh.
Nhiều nhà thám hiểm có cơ hội quan sát đời sống thổ dân nơi đây ngạc nhiên với khả năng boomerang có thể tự động quay trở lại sau khi bị ném bay ra xa. Năm 1818, đội thám hiểm hàng hải vua Phillip Parker mô tả boomerang “được sử dụng để săn chuột túi”. Thổ dân ném boomerang, nó tự xoay trên không khí, có khả năng bay xa tới 200 m, gấp 3 lần so với giáo ném. Chúng có thể tiêu diệt ngay hoặc làm choáng váng động vật bị săn.
Boomerang đóng vai trò quan trọng trong đời sống thổ dân Australia, không chỉ là công cụ săn bắn mà còn giúp họ giải trí. Với người châu Âu, boomerang đã trở thành hàng hoá để mua, trưng bày, làm quà lưu niệm độc đáo. Boomerang trở nên nổi tiếng và trở thành biểu tượng quốc gia của Australia.
Khả năng bay đi rồi quay trở lại mang đến ý nghĩa sâu sắc cho boomerang. Ngành công nghiệp du lịch chọn boomerang làm hình ảnh biểu tượng trên những món quà lưu niệm với ý nghĩa gửi gắm đến người nhận sẽ “quay trở lại” như những chiếc boomerang. Ngoài ra, hình ảnh boomerang còn xuất hiện trên các logo thương hiệu nhiều hãng kinh doanh tại Australia, các biểu tượng của nhiều sự kiện quan trọng.
Boomerang có 3 loại chính: loại ném sẽ trở lại, loại không trở lại và loại chỉ để trưng bày làm bằng sứ.
Khu trưng bày Boomerang, Bảo tàng quốc gia Australia
Boomerang được trưng bày cùng các biểu tượng nổi bật như chuột túi, đá Uluru, cầu cảng Sydney và nhiều hiện vật khác tại Bảo tàng quốc gia Australia. Du khách muốn tìm hiểu câu chuyện về boomerang có thể tới tham quan bảo tàng.
Giờ mở cửa: 9h – 17h hàng ngày (trừ ngày Giáng sinh)
Địa chỉ: Lawson Cresent, Acton Peninsula, Canberra
Giá vé: Miễn phí vào cửa.
Trung tâm văn hóa thổ dân Australia (AACC)
Du khách học ném boomerang ở AACC. Ảnh: tripadvisor. |
Đây là nơi du khách có thể trực tiếp trải nghiệm, khám phá đời sống thổ dân Australia. Bằng nhiều hình thức sinh động, bảo tàng lịch sử với không gian mở này mang đến nhiều thông tin thú vị cho khách tham quan. Đặc biệt, bạn có thể tham gia học chơi didijeridu, ném giáo và boomerang như một người thổ dân thực sự.
Giờ mở cửa: 10h – 17h
Địa chỉ: 88 Todd Street, Alice Springs, Northen Territory 0870
Lễ hội Boomerang
Hoạt động tại Boomerang Festival 2013. Ảnh: spotlightreport. |
Bạn cần đến vịnh Byron xinh đẹp, một vùng hẻo lánh ở Australia để tham gia lễ hội Boomerang. Đến với lễ hội, du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc tìm hiểu nền văn hóa lâu đời nhất Australia (ca nhạc, múa, phim hài, nghệ thuật trang trí …).
Thời gian: 4 – 6/10
Như Bình
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet